Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer góp phần tô điểm thêm cho nền văn hóa đầy màu sắc

Thứ năm, 24/03/2022 05:36
(ThanhtraVietNam) - Cà Mau hiện có gần 30 nghìn người dân tộc Khmer sinh sống; trong quá trình lao động sản xuất, hội nhập và phát triển, đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm tiên tiến đà bản sắc dân tộc. Tết Chôl Chnăm Thmây hay (Lễ Chịu tuổi) là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.
leftcenterrightdel
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đã góp phần tô điểm thêm cho nền văn hóa đầy màu sắc của cộng đồng văn hóa 54 dân tộc anh enh của Dân tộc Việt Nam - Ảnh: Yến Ngọc

Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là vào năm mới, là Tết cổ truyền hằng năm của đồng bào dân tộc Khmer, thường diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch. Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn có thêm điều kiện vui Tết. Ăn Tết xong, bà con chuẩn bị đón mùa mưa, mừng mùa vụ mới.

Đồng bào dân tộc Khmer đa số theo Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nam tông Khmer) nên các hoạt động lễ, hội của Tết Chôl Chnam Thây của đồng bào dân tộc Khmer đều diễn ra tại chùa. Vào dịp này, bà con đồng bào Khmer chuẩn bị sắm sửa, ăn mặc gọn đẹp, chuẩn bị nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, bánh, hoa, quả…để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng lễ tại các chùa. Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra trong 03 ngày.

Ngày thứ nhất, bà con chuẩn bị vật phẩm như: nhang, đèn, hoa quả mang đến chùa để làm lễ đón chào năm mới, làm lễ rước Đại lịch Maha Sangkran (Maha Sangkran được hiểu như vị hành khiển trong ngày Tết năm mới). Cứ mỗi năm, đồng bào Khmer lại đón một vị Maha Sangkran cai quản và trông coi mọi việc của năm đó.

Ngày thứ hai, bà con dâng cơm cho sư sãi vào buổi sáng và buổi trưa ở chùa. Buổi chiều, mọi người đến chùa làm lễ đắp núi cát để mong gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới và cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ngày thứ ba của Tết Chôl Chnăm Thmây, sẽ diễn ra nghi lễ tắm tượng Phật. Đây là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Khmer. Nghi lễ tắm tượng Phật liên quan nhiều đến tâm thức ứng xử với nước của người Khmer, với ý nghĩa rửa sạch hết muộn phiền trong năm cũ để sang năm mới được thanh sạch, vui vẻ hơn. Nước thơm sau khi tắm Phật xong, đồng bào Khmer mang về nhà tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an, mong một năm mới tất cả gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra từ ngày 14-16/4/2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó các chùa Nam tông Khmer trong tỉnh cũng hạn chế quy mô tổ chức, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở thờ tự, tích cực tuyên truyền phật tử, đồng bào Khmer chủ động thực hiện tốt biện pháp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khuyến khích bà con, phật tử đón Tết tại chỗ, nơi cư trú.

Hòa chung với 03 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa ở Cà Mau, bà con đồng bào Khmer luôn giữ được những giá trị truyền thống, mối gắn kết, sống chan hòa, nghĩa tình trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đã góp phần tô điểm thêm cho nền văn hóa đầy màu sắc của cộng đồng văn hóa 54 dân tộc anh enh của Dân tộc Việt Nam./.

Yến Ngọc - Việt Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra