Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh tại miền Trung Việt Nam vào năm 1926. Năm 16 tuổi, Người xuất gia tại chùa Từ Hiếu, Huế và thọ giới Tỳ kheo năm 1951. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã buộc các tăng sĩ Phật giáo phải đối diện với vấn đề là nên tiếp tục tu tập trong chùa hay ra ngoài giúp những người dân đang gánh chịu khổ đau vì bom rơi và sự tàn phá của chiến tranh. Thiền sư là một trong những người chọn làm cả hai. Người đã khởi xướng phong trào “Đạo Bụt dấn thân”, kể từ đó Người dành trọn cuộc đời mình để tu tập, giảng dạy giúp mọi người lấy sự chuyển hoá tự thân làm nền tảng cho hạnh phúc của cá nhân và cả xã hội.
Năm 1961, Thiền sư rời Việt Nam sang Mỹ để nghiên cứu về đề “Tôn giáo học so sánh” tại Đại học Princeton, sau đó giảng dạy và nghiên cứu về đạo Bụt tại Đại học Columbia. Trở lại Việt Nam vào đầu những năm 60, Thiền sư thành lập một nhà xuất bản, một trường đại học, một tuần san Phật giáo và Trường Thanh niên phụng sự xã hội – một tổ chức hỗ trợ tái thiết nông thôn với mười nghìn tác viên, hoạt động dựa trên nguyên tắc bất bạo động và từ bi của đạo Bụt. Ngoài ra, Người còn thành lập Dòng tu Tiếp Hiện dành cho cả tăng sĩ và cư sĩ Phật giáo với tinh thần đem đạo Bụt đi vào cuộc đời.
Với ước muốn xây dựng tăng thân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập Phương Vân Am gần Paris. Tuy nhiên, đến năm 1982, Phương Vân Am trở nên quá nhỏ cho số người muốn đến tu học, do đó tăng thân đã chuyển đến một địa điểm mới ở vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp và đặt tên là Làng Mai.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của hơn 100 đầu sách với các thể loại phong phú. (Ảnh: Minh Nguyệt)
Dưới sự lãnh đạo tâm linh của Thiền sư, từ một nông trại nhỏ, Làng Mai nay đã trở thành một tu viện Phật giáo lớn nhất và phát triển năng động nhất ở châu Âu, với hơn 200 xuất sĩ đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, còn có mười trung tâm thực tập chánh niệm theo truyền thống Làng Mai tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Úc, cũng như hơn 200 nghìn tăng thân cư sĩ hiện đang thực tập theo pháp môn Làng Mai trên khắp thế giới.
Tiếp nối con đường đạo Bụt dấn thân mà Thiền sư đã khởi xướng, giờ đây tăng thần của Người vẫn đang tiếp tục tổ chức các khoá tu cho các nhà tâm lý trị liệu, giáo viên, gia đình, doanh nhân, chính trị gia, các nhà khoa học, giới cảnh sát và còn cho cả người Israel và Palestine. Phong trào thực tập chánh niệm ngày càng phát triển rộng rãi trong xã hội phương Tây, với khoảng 50 nghìn người tham dự các khoá tu chánh niệm do tăng thân Làng Mai hướng dẫn tại Mỹ và châu Âu mỗi năm.
Những phương pháp thực tập chánh niệm và Thiền sư giới thiệu cho người Tây phương hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục, cũng như tâm lý học và tâm thần học để giúp chữa trị các chứng bệnh trầm cảm, lo lắng và căng thẳng.
Là một trong những bậc thầy tâm linh nổi tiếng và được kính ngưỡng nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nhà thơ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thường được các đệ tử gọi một cách thân thương là Thầy) đã sống một cuộc đời thật phi thường. Được nhiều người biết đến qua những tác phẩm về thiền tập, chánh niệm và hoà bình, Thiền sư là tác giả của hơn 100 đầu sách với các thể loại phong phú, như: Dịch và bình giảng kinh văn, cẩm nang về chánh niệm, tuyển tập thơ và tuyển tập truyện cho thiếu nhi, trong đó có những tác phẩm được xếp vào “best-seller” như “An lạc từng bước chân”, “Quyền lực đích thực”, “Tình thương đích thực”, “Đường xưa mây trắng”. Nhiều tác phẩm của Thiền sư đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và số lượng sách phát hành riêng ở Mỹ đã lên đến hơn 3 triệu bản.
Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết ra năm 2009./.
T.H