Tình hình xâm hại trẻ em vùng DTTS vẫn diễn biến phức tạp
Thứ năm, 05/08/2021 17:34 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) – Tình hình xâm hại trẻ em nói chung và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, số vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, xử lý vẫn tăng cao. Đáng nói, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình.
Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh về Ủy ban Dân tộc, từ tháng 7/2019 đến nay có tổng số 1.087 trẻ em bị xâm hại. Số trẻ em DTTS) bị xâm hại theo thống kê của 9/52 tỉnh là 188 em.
Trong đó, số trẻ em và độ tuổi của trẻ em DTTS bị xâm hại theo từng hình thức được quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật Trẻ em, gồm: Bạo lực (110 em); bóc lột (11 em); xâm hại tình dục (567 em); mua bán (3 em); bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em (71 em); các hình thức gây tổn hại khác (47 em).
Trẻ em vùng dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại. (Ảnh minh họa - Internet).
Ủy ban Dân tộc đánh giá, tình hình xâm hại trẻ em nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi.
Đặc biệt, một số vụ việc xâm hại xảy ra tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, người thân không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em do chính người thân trong gia đình thực hiện gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương, vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa.
Năm 2020, tình hình đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và trực tiếp đối với việc chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt, học tập của trẻ em. Đồng thời, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến. Nguy cơ trẻ em nghèo, trẻ em DTTS, miền núi bị gián đoạn việc học tập do không đủ điều kiện học tập trực tuyến, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng bị hạn chế./.
Đình Thuyết