Vùng đồng bào DTTS tiếp cận thông tin với nhiều hình thức đa dạng

Thứ năm, 26/08/2021 08:15
(ThanhtraVietNam) – Cùng với hình thức cung cấp thông tin qua Cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm báo, tạp chí chuyên ngành, những năm qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) còn cung cấp thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) qua việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách và thông qua việc trả lời kiến nghị của cử tri.

Cung cấp thông tin gắn với việc triển khai các đề án, dự án

Trong 3 năm qua (2018-2021), UBDT đã chủ động cung cấp thông tin thông qua các hoạt động triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách tại vùng DTTS và miền núi, gồm: Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”…

Bên cạnh đó là nhiều dự án, như: Dự án 4 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; Dự án bảo vệ môi trường; các dự án tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, chống trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, chống mua bán người... để kịp thời cung cấp thông tin pháp luật, chính sách dân tộc cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

leftcenterrightdel
 Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: baodansinh.vn)

Trong 3 năm qua, UBDT đã tổ chức 102 hội nghị, lớp tập huấn cho 10.878 lượt cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, người có uy tín và đồng bào DTTS. Qua đó, đã kịp thời cung cấp thông tin pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp; Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hôn nhân và gia đình… cũng như các chính sách dân tộc hiện hành.

Đồng thời, tổ chức 19 hội thảo với 2.470 lượt người tham gia nhằm kịp thời chia sẻ, trao đổi thông tin, rút ra bài học kinh nghiệm trong xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, thực thi chính sách dân tộc.

Tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 1.750 lượt người tham dự. Kết quả, đã tuyên truyền, cung cấp thông tin, chính sách pháp luật về bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững vùng DTTS, cải cách hành chính và phát huy sáng kiến trong cải cách hành chính cho công chức, viên chức và người lao động của UBDT và đồng bào DTTS.

Đáng chú ý, UBDT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất, phát sóng 2 chương trình truyền hình, 3 chương trình phát thanh để cung cấp thông tin pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS.

Một trong những kết quả nổi bật khác trong công tác cung cấp thông tin cho đồng bào vùng DTTS là UBDT đã xây dựng, duy trì hoạt động của 49 mô hình điểm ở xã để cung cấp thông tin pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống mua, bán người, phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới.

Ngoài ra, UBDT còn tổ chức biên soạn, phát hành sách sổ tay với số lượng 13.930 cuốn bằng tiếng Việt, 6.500 cuốn song ngữ tiếng Việt - tiếng DTTS; 65.000 tờ rơi, tờ gấp bằng tiếng Việt; 20.000 tờ rơi, tờ gấp bằng tiếng DTTS, để tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật và chính sách dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, người có uy tín và đồng bào DTTS.

Sản xuất 02 bộ băng, đĩa để chiếu bóng lưu động; tuyên truyền bằng pa nô, áp phích với số lượng 5.000 cái; cung cấp hơn 13.900 đầu sách pháp luật... Kịp thời cung cấp những thông tin pháp luật cơ bản nhất đến với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cung cấp thông tin hiệu quả thông qua trả lời kiến nghị cử tri

Theo số liệu thống kê của UBDT, từ năm 2019 tới nay, UBDT đã trả lời 78 kiến nghị của cử tri các tỉnh tại kỳ họp thứ 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Quốc hội khóa XIV. Trong đó, có 26 kiến nghị đề nghị sớm ban hành, hướng dẫn và triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Có 11 kiến nghị đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2021-2025 và tăng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho những năm tiếp theo; có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ những thôn, bản đã hoàn thành Chương trình để hoàn thiện hoặc duy tu, bảo dưỡng các công trình. Về mặt tài chính, cử tri kiến nghị nâng mức hỗ trợ Chương trình 135, mức phân bổ vốn theo Quyết định số 551/QĐ-TTg; nâng định mức nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng để các địa phương sửa chữa công trình nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.

leftcenterrightdel
 Một văn bản của Ủy ban Dân tộc tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoa XIV. (Ảnh: Nguyên Khôi)

Có 15 kiến nghị đề nghị bố trí ngân sách để các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

Có 7 kiến nghị đề nghị ban hành tiêu chí phân định các xã, thôn vùng dân tộc và thiểu số giai đoạn 2021-2025; sớm ban hành quyết định danh sách các xã khu vực I, II, III và thôn đặc biệt khó khăn ở các địa phương giai đoạn 2021-2025; có hướng dẫn cụ thể việc xác định khu vực vùng DTTS và miền núi tại những xã, thị trấn mới hình thành trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của các xã liền kề.

Mặt khác, còn một số kiến nghị đề nghị xem xét cho đồng bào dân tộc Mông được hưởng chính sách đặc thù như các DTTS rất ít người; xem xét xác định lại thành phần dân tộc cho người Cao Lan; bổ sung dân tộc Sán Chí vào danh mục các dân tộc Việt Nam; có chế tài đủ sức răn đe và xử lý nghiêm đối với những đối tượng tổ chức cưới tảo hôn cho những người chưa đủ tuổi kết hôn.

Có thể khẳng định, các kiến nghị của cử tri, đồng bào DTTS đã được UBDT tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp ban hành văn bản trả lời, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, giải đáp được các yêu cầu đặt ra, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của cử tri và đồng bào DTTS. Qua một số kiến nghị, góp ý của cử tri, UBDT đã tiếp thu và tham mưu, ban hành hoàn thiện các chính sách dân tộc liên quan./.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra