Nhân dịp Kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Quản lý Nhà nước về Tôn giáo, phóng viên Tạp chí Thanh tra có cuộc trao đổi với TS. Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo TP để có cái nhìn rõ hơn, chính xác hơn về lĩnh vực được xem là “đa dạng, phong phú” nhưng còn “phức tạp và khó khăn” này.
PV: Trong thư chúc mừng gửi công chức, viên chức, người lao động hoạt động tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đánh giá ngành Quản lý Nhà nước (QLNN) về Tôn giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Tôn giáo TP Hà Nội có đóng góp gì trong thành tích chung này?
Ông Phạm Tiến Dũng: Theo tôi, đóng góp lớn nhất ở đây chính là sự ổn định, đoàn kết trong khối công đồng các tôn giáo TP Hà Nội, điều này đến từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP trong công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là các sự kiện, vụ việc có diễn biến, tính chất phức tạp, đa dạng, chính điều này đã đảm bảo không gian tự do hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở Thủ đô.
Đặc biệt, trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, cùng với đồng bào và cử tri cả nước, chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo trên địa bàn TP đã tích cực tham gia bầu cử với tinh thần phấn khởi, hân hoan, thực hiện bầu cử đúng quy định, góp phần vào thành công của “ngày hội non sông” này.
PV: Ông có thể chia sẻ một vài kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo?
Ông Phạm Tiến Dũng: Có thể nhận thấy, các quy định và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã đi vào đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được ban hành đã thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo.
Trưởng ban Tôn giáo Thành phố Phạm Tiến Dũng. Ảnh: L.A
Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn diễn ra sôi động, thông thoáng hơn, các tổ chức tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi, các thủ tục hành chính được nhanh chóng giải quyết. Cùng với đó, các lễ hội tín ngưỡng cũng có những chuyển biến tích cực, giảm thiểu các tệ nạn như mê tín dị đoan, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm trái quy định, bắt chẹt du khách.
PV: Đoàn kết tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: UBND TP, Ban Tôn giáo TP thường xuyên ban hành các văn bản để tuyên truyền vận động các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đoàn kết tôn giáo”, theo đó các tôn giáo trên địa bàn TP đã chung tay cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tích cực đóng góp chăm lo tốt an sinh xã hội.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các tôn giáo thể hiện và phát huy tinh thần đoàn kết “đạo đời hòa hợp”... Các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm túc công tác ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của chức sắc, tín đồ; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời có các hình thức sinh hoạt trực tuyến phù hợp.
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng thể hiện trách hiện với cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, cụ thể: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội tham gia hoạt động từ thiện từ nhiều năm nay, Giáo hội đã trực tiếp, gián tiếp tham gia đóng góp vào hoạt động từ thiện xã hội.
Các nhóm Tin lành đến thăm và làm việc tại Ban Tôn giáo Thành phố. Ảnh: P.V
Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã thành lập nhóm “Ve chai” gồm hơn 60 sinh viên các trường đại học tại Hà Nội tổ chức thu gom phế liệu bán lấy tiền giúp đỡ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội mà các tôn giáo tham gia đóng góp với mục đích giúp đỡ những người có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, những người bệnh tật…
PV: Ông có thể cho biết việc quản lý đạo lạ, tôn giáo mới, tà đạo trên địa bàn TP hiện nay?
Ông Phạm Tiến Dũng: Hoạt động của các “hiện tượng tôn giáo mới” đã làm bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng của Thủ đô thêm phong phú, mặt khác, sự xuất hiện của đạo lạ, tà đạo ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội và đặt ra những vấn đề lớn cho công tác QLNN với mục đích vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vừa bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; ổn định an ninh, trật tự xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết vì sự phát triển chung của Thủ đô.
Ban Tôn giáo TP đã xem xét, đánh giá các vấn đề liên quan đến đạo lạ để tham mưu, đề xuất UBND TP các giải pháp, chính sách phù hợp với quy định hiện hành và thực tế xã hội; đồng thời định hướng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nhận diện đúng; góp phần đấu tranh, phản bác các hoạt động lợi dụng đạo lạ, tà đạo để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
PV: Đánh giá sự quan tâm của Thành ủy và UBND TP đối với công tác tôn giáo, tín ngưỡng?
Ông Phạm Tiến Dũng: Thành ủy và UBND TP xác định công tác tôn giáo trên địa bàn Thủ đô luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhạy cảm, theo đó đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quản lý có hiệu quả công tác này. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nhất quán chính sách về tôn giáo, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo, quyền sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng bình thường theo đúng pháp luật.
Đặc biệt, khi xuất hiện một số ổ dịch liên quan đến các cơ sở tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã kịp thời có những chỉ đạo để chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh và đề nghị các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô vượt qua đại dịch.
Mới đây, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, UBND TP đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.
PV: Ông có thể cho biết một vài kết quả trong công tác quản lý nhà nước của Ban Tôn giáo Thành phố?
Ông Phạm Tiến Dũng: Ban Tôn giáo đã tích cực tham mưu, đề xuất với UBND TP, đặc biệt là với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, qua đó tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin, quan điểm chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với từng vụ việc phức tạp trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố liên quan trong cả nước để chủ động làm tốt công tác ngăn ngừa, giảm thiểu số lượng tín đồ, giáo dân bị tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, kích động tập trung về Hà Nội và có những hành vi vi phạm pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Ban Tôn giáo tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn nhằm phục vụ Nhân dân và đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, tổ chức tôn giáo hoạt động theo phương châm "đồng hành cùng dân tộc" góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hội nghị tuyên truyền về văn minh, tiết kiệm tại các cơ sở thờ tự phật giáo do Ban Tôn giáo Thành phố tổ chức. Ảnh: P.V
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác QLNN và phục vụ Nhân dân được tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng những nhiễu, tiêu cực và phòng, chống tham nhũng, Ban Tôn giáo đã ban hành Quy chế dân chủ để phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức (CBCC) và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; góp phần xây dựng đội ngũ CBCC có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước. Bên cạnh đó, phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xây dựng đội ngũ CBCC Ban Tôn giáo trong sạch, vững mạnh.
PV: Thời gian tới Ban Tôn giáo TP sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Trước hết, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Tôn giáo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP trong thực thi nhiệm vụ, công vụ về QLNN về tôn giáo, tín ngưỡng, và thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch UBND TP về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tiếp đó, Đơn vị sẽ chủ động xây dựng Kế hoạch công tác QLNN đối với hoạt động tín ngưỡng, một số nhiệm vụ, công tác trọng tâm báo cáo, trình UBND TP phê duyệt.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình và tham mưu giải quyết các vi phạm liên quan đến tôn giáo xảy ra trên địa bàn TP. Tiếp tục hướng dẫn thực hiện và giải quyết nhu cầu sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trường An (Thực hiện)