Lào Cai:

Xây dựng xã vùng cao, dân tộc trở thành đơn vị Anh hùng lao động

Thứ sáu, 03/09/2021 09:49
(ThanhtraVietnam) - Nậm Cang là một trong những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa đầu tiên của tỉnh Lào Cai được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 

Xã Nậm Cang hôm nay. Ảnh: internet

Nhìn khung cảnh Nậm Cang hôm nay ít ai nghĩ rằng Nậm Cang từng là một xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Dao và Mông. Vào thời điểm đó, toàn xã có tới 80% số hộ đói, nghèo, trên 70% dân số mù chữ; gần 30% số hộ gia đình có người nghiện thuốc phiện... cơ sở hạ tầng gần như chưa có gì. Đói, rách đeo đẳng bà con từ đời này qua đời khác.

Thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành năng động của chính quyền cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc địa phương, Nậm Cang đã bứt phá mạnh mẽ trên tất cả các mặt, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đến nay, 100% hộ gia đình của xã đã được ngói hoá; gần 90% hộ gia đình có xe máy; 85% hộ gia đình có thuỷ điện nhỏ; gần 70% hộ gia đình có ti vi; trên 50% đường liên gia đã được bê tông hoá... Toàn xã không có người nghiện, không có tệ nạn cờ bạc hay tuyên truyền đạo trái phép, đó là cả một cuộc cách mạng trong chuyển đổi nhận thức và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã.

Kinh tế phát triển đã tạo nền tảng cho các hoạt động văn hoá, xã hội của xã có bước phát triển vượt bậc. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường của xã luôn đạt từ 99 đến 100%; tỷ lệ học sinh chuyên cần được duy trì ở mức 96%; xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở từ năm 2005. Các phong trào thi đua xây dựng thôn, bản văn hóa; cuộc vận động cải tạo phong tục tập quán lạc hậu... được triển khai sâu rộng đến từng thôn, bản, hộ gia đình đã làm thay đổi khá cơ bản nhận thức của nhân dân trong xã, các phong tục tập quán tốt được duy trì và phát huy, các hủ tục, tập quán lạc hậu ngày càng giảm, xã không có người nghiện ma tuý, không có tệ nạn xã hội.Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, Nậm Cang luôn chú trọng và làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Với những thành tích đã đạt được, xã Nậm Cang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, quan tâm hơn nữa trong việc bảo đảm và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.

Công cuộc phấn đấu trở thành Anh hùng Lao động

Để nhân dân thoát khỏi đói, nghèo, tập thể lãnh đạo xã đã thống nhất với phương châm “Nậm Cang còn rừng là còn tất cả và dân Nậm Cang sẽ giàu lên từ rừng”. Người dân trong xã được tuyên truyền việc bảo vệ rừng rồi trồng rừng, nuôi rừng để giữ nước, bảo vệ môi trường.

Nhằm khích lệ nhân dân trong xã tham gia tích cực phong trào thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp, no ấm, xã Nậm Cang đã đăng ký phấn đấu trở thành đơn vị “Anh hùng Lao động”. Mục tiêu phấn đấu trở thành xã anh hùng đã tạo ra sự đồng tâm, hiệp lực giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trong xã. Vì vậy các nhiệm vụ của đề án luôn được nhân dân trong xã thực hiện đạt kết quả rất cao.

Sau khi tham khảo mô hình trồng cây thảo quả cho hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương trong tỉnh, xã đã chủ động mời cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo quả cho nhân dân. Vì vậy, diện tích trồng cây thảo quả tăng nhanh và hiện nay 100% số hộ gia đình của Nậm Cang có nương thảo quả với diện tích từ vài nghìn m2 đến trên 10 ha.

Đặc điểm của cây thảo quả là chỉ sinh trưởng và phát triển tốt ở dưới tán rừng già nên người dân đã tích cực giữ rừng, trồng rừng. Do đó tỷ lệ tán che phủ rừng của xã tăng nhanh, từ 50% năm 2000 lên 70% năm 2009. Diện tích cây thảo của xã cũng được tăng lên; năm 2009 đạt sản lượng trên 110 tấn, tăng 36 lần so với năm 2000 và cho thu nhập khoảng 20 tỷ đồng.

Khi đã xác định và vận động được nhân dân thực hiện đưa cây thảo quả vào canh tác để xoá đói, giảm nghèo và làm giàu, vấn đề ưu tiên tiếp theo của xã là phải giải quyết dứt điểm số người nghiện của xã. Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ không thể đảm bảo được an ninh trật tự trên địa bàn xã để phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội. Trên cơ sở rà soát và phân nhóm đối tượng người nghiện cụ thể, xã đã đưa 29 đối tượng nghiện từ 30 - 45 tuổi về trụ sở Uỷ ban nhân dân xã để cai nghiện, số còn lại được cai nghiện ở gia đình và xã phân công cán bộ để theo dõi, đồng thời yêu cầu các gia đình ký cam kết với Uỷ ban nhân dân xã trong thời gian từ 20-30 ngày phải hoàn thành việc cai nghiện. Sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể trong xã và do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và thuyết phục đã tạo ra sự đồng thuận cao độ giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và các hộ gia đình trong việc giúp đỡ người nghiện. Vì vậy, đến nay trên địa bàn xã không còn người nghiện, an ninh trật tự trong xã được giữ vững, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội liên tục phát triển.

Bên cạnh đó, xã Nậm Cang cũng đã chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại hình kinh tế như làm trang trại, du lịch và dịch vụ. Xã đã khôi phục nhiều ngành nghề truyền thống như: thổ cẩm, nghề rèn... tạo thêm nguồn thu cho nhân dân.

Để thay đổi tập quán canh tác còn nhiều lạc hậu của nhân dân trong xã, Đảng uỷ, UBND đã chủ động tham mưu cho tỉnh, huyện lồng ghép các chương trình 134, 135 cũng như các hạng mục đầu tư được phê duyệt trong Đề án xây dựng xã Anh hùng để xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi để nhân dân trồng lúa nước; đưa giống lúa mới vào trồng cấy. Nhờ đó, sản lượng lương thực của xã liên tục tăng lên.

Kinh nghiệm xây dựng một xã vùng cao, dân tộc trở thành đơn vị Anh hùng Lao động

Từ công cuộc xóa đói, giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền xã Nậm Cang có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng một xã vùng cao, dân tộc trở thành đơn vị Anh hùng Lao động như sau:

1. Phát huy khối đại đoàn kết 2 dân tộc Mông - Dao có truyền thống lâu đời thường xuyên tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm thi dua cùng nhau làm giàu.

2. Bảo vệ rừng, trồng, nuôi rừng để giữ nước, bảo vệ môi trường.

3. Cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa xóa bỏ lạc hậu, bảo tồn, phát huy văn hóa Mông - Dao như múa, hát, lễ hội. Làm công trình vệ sinh như nước sạch, nhà vệ sinh…

4. Phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình.

5. Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã thôn; làm tốt quy chế dân chủ, đảm bảo mọi việc từ Đảng đến dân phải đồng thuận, phải đặt lợi ích của dân lên trên hết.

6. Phát huy phong trào thi đua yêu nước, trên tất cả các lĩnh vực; tổ chức bình xét khen thưởng và đề nghị khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân tích cực tham gia thi đua và lập được thành tích cao, các kỷ lục trong phòng trào thi đua.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra