Đừng loay hoay mãi với Quốc hoa
Thứ sáu, 19/07/2024 07:09 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Quốc hoa, đã cần thiết chưa, khi mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cần đến 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa?
Quốc hoa là loài hoa được chọn lựa làm biểu tượng, hình ảnh đại diện cho văn hóa tinh thần của một đất nước. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 100/195 nước thuộc Liên Hiệp Quốc có Quốc hoa. Vì thế nên chưa có Quốc hoa, không sao cả. Đừng loay hoay mãi với Quốc hoa!
Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng khởi xướng bầu chọn Quốc hoa cho Việt Nam. Cuộc bầu chọn không có hồi kết (vì không có loài hoa nào được chọn) thì mới đây, có vị Đại biểu Quốc hội lại hâm nóng vấn đề Quốc hoa tại Nghị trường. Đại biểu này đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt hoa sen là Quốc hoa trong khi đó người khác lại lựa chọn bông lúa. Nó cũng giống như người phía Nam thích hoa mai, người phía Bắc ưa ngắm hoa đào. Yêu thích loài hoa nào là quyền của mỗi người nhưng có lẽ đây lại là nguyên nhân chủ yếu khiến việc lựa chọn Quốc hoa khó trở thành hiện thực.
Theo thông tin từ cơ quan khởi xướng bầu chọn Quốc hoa từ 13 năm trước thì hoa sen (sen hồng) có tỷ lệ bầu chọn trên 80% trong khi đó thì loài hoa đằm thắm thuần khiết này đã được một quốc gia châu Á là Ấn độ chọn làm Quốc hoa từ năm 1950. Người Việt Nam thờ ơ với hoa dâm bụt nhưng dâm bụt lại là Quốc hoa của Malaysia. Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến hoa anh đào tuy nhiên Quốc hoa mặc định của người dân đất nước này lại là hoa cúc vàng, Trung Quốc là cúc mẫu đơn. Thậm chí, có 2 nước là Bỉ và Ba Lan cùng chọn hoa của loài cây có tinh chất gây nghiện là anh túc đỏ làm Quốc hoa. Đất nước Macedonia cùng lúc chọn anh túc, thuốc lá, lúa mỳ làm biểu tượng, hình ảnh đại diện văn hóa tinh thần.
|
|
Dù không phải là Quốc hoa nhưng sen vẫn là loài hoa gắn bó với đời sống tinh thần người Việt Nam. Ảnh: Dương Hoàng Nguyên. |
Một nửa nước trên thế giới trắng Quốc hoa nhưng điều đó không có nghĩa rằng văn hóa tinh thần của đất nước ấy thua kém các nước khác, thậm chí còn vượt trội hơn nhiều nước về bảo tồn, phát huy, lan tỏa những văn hóa truyền thống vốn là cốt lõi, tinh hoa của đất nước, dân tộc mình ra thế giới. Ở ta, Quốc hoa có ý nghĩa gì khi nghệ thuật hát chèo phía Bắc, tuồng (hát bội) của miền Trung, Cải Lương của miền Nam tắt lịm từ hàng chục năm nay, nhường chỗ cho thứ âm nhạc “chat bùm chát bùm bùm” hổ lốn, lai tạp phát ra từ cái loa thùng mở to hết cỡ, tra tấn phố thị, làng quê trong các cuộc ăn uống, nhậu nhẹt tàn canh. Quốc hoa có ý nghĩa như thế nào khi ở đâu cũng nghe tiếng hò hét hối thúc nhau “một hai ba dô” cạn ly bia, rượu và hát hò trong cơn say… Quốc hoa, đã cần thiết chưa, khi mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cần đến 350.000 tỷ đổng để chấn hưng văn hóa?
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các bài viết tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách, cần thiết hơn biểu tượng hình thức về văn hóa có tên gọi: Quốc hoa.
Dương Hoàng Nguyên