“Chi phí không chính thức”: Rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính

Thứ tư, 07/06/2023 17:26
(ThanhtraVietNam) - “Chi phí không chính thức” là chỉ số nhạy cảm trong chỉ số thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Sự hiện hữu của chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, cũng là trở ngại trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự mất công bằng trong hoạt động kinh doanh. Đây là nội dung được Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng khẳng định tại Hội nghị thảo luận giải pháp cải thiện, nâng cao PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, sáng ngày 02/6, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị thảo luận giải pháp cải thiện, nâng cao PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, các sở, ngành và các chuyên gia của VCCI tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại khiến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh bị tụt hạng so với năm 2021.

Theo tham luận của ông Nguyễn Minh Phụng, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau về Chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức”: 

leftcenterrightdel

Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau tham luận tại Hội nghị. 

Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau đạt 61,6 điểm (giảm 3,14 điểm), xếp thứ 58/63 tỉnh thành (giảm 26 hạng) so với năm 2021; xếp thứ 12/13 (giảm 5 bậc) so với các tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chỉ số thành phần về “Chi phí không chính thức” đạt 6,07 điểm (giảm 1,02 điểm), xếp thứ 62/63 tỉnh thành (giảm 31 hạng). Kết quả trên cho thấy chỉ số Chi phí không chính thức (CPKCT) bị tụt hạng mạnh trong năm 2022, trong đó có nhiều chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực so với điểm số trung bình cả nước gồm các chỉ tiêu: Các doanh nghiệp (DN) cùng ngành thường phải trả thêm các khoản CPKCT (45%); Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả CPKCT (51%); Các khoản CPKCT ở mức chấp nhận được (84%); Tỷ lệ DN chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra (16%); Tỷ lệ DN trả CPKCT khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN)/sửa đổi ĐKDN (12%), Tỷ lệ DN trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra tra phòng cháy, chữa cháy (46%); Tỷ lệ DN trả CPKCT cho cán bộ quản lý thị trường (57%); Tỷ lệ DN trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra thuế (45%); DN phải chi hơn 10% doanh thu các loại CPKCT (10%); Tỷ lệ DN chi trả CPKCT để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai (56%); Chi trả "hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu (46%); Có tranh chấp song không lựa chọn Tòa án để giải quyết do lo ngại tình trạng "chạy án" là phổ biến (3%).

“Chi phí không chính thức” là chỉ số nhạy cảm trong chỉ số thành phần cấu thành PCI. Sự hiện hữu của chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, cũng là trở ngại trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự mất công bằng trong hoạt động kinh doanh. Chi phí không chính thức được hiểu là khoản chi không có trong quy định của pháp luật, được doanh nghiệp chi ra cho cán bộ, cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính nhằm giải quyết công việc được nhanh hơn. Đó như một khoản “bôi trơn” để tránh bị gây phiền hà, sách nhiễu, chậm trễ...

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị 

Kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Cà Mau năm 2022 bị tụt hạng so với năm 2021 có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là:

Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm; thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, có tâm lý cho là của người khác, một số còn phát sinh tiêu cực. Vai trò của người đứng đầu một số đơn vị và địa phương chưa thật sự quyết tâm trong việc triển khai các giải pháp, phân công, kiểm tra, đôn đốc và mạnh dạn xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; việc theo dõi kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ chưa thật sự có hiệu quả…

Để cải thiện chỉ số CPKCT nói riêng, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt có tính chất quyết định là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, chung sức, đồng lòng nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Với nhiệm vụ được giao là tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện một số chỉ tiêu thành phần để cải thiện nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, Thanh tra tỉnh nhận thấy để nâng cao chỉ số “Chi phí không chính thức” trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 10/CT-TTG ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; giúp doanh nghiệp nắm được các quy định của các văn bản pháp luật, quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp để ngoài việc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bảo vệ, doanh nghiệp còn tự bảo vệ mình trước các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Kiên quyết phản đối, tố cáo tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức, cũng như thay đổi tư duy về chi phí “bôi trơn”, nhằm đạt được mục đích.

Hai là, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan nhà nước.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở cơ sở, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm đối với DN; giảm thời gian làm việc trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp.

Chánh Thanh tra sở, ban, ngành; Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cấp dưới trong việc xây dựng thực hiện kế hoạch thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính đội ngũ cán bộ, công chức.

Kịp thời xử lý hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong khi thực hiện nhiệm vụ công vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động.

Năm là, phân công những người có năng lực, trách nhiệm, đạo đức vào vị trí làm việc trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa và công khai, minh bạch các TTHC liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng quy trình xử lý hồ sơ minh bạch, rõ ràng, công khai, để tạo ra hành lang giao tiếp bình đẳng giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu các quy định, các văn bản hướng dẫn mới để thống nhất nhận thức, kiên quyết không “lót tay” cho cán bộ, công chức, không chấp nhận chi những khoản chi phí “bôi trơn” để được hưởng những lợi ích, những “ưu tiên” ngoài quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện các Đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại DN trùng lắp, chồng chéo về phạm vi, nội dung, đối tượng thì doanh nghiệp báo cáo, đề nghị cơ quan, đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra báo cáo thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền để xử lý chồng chéo theo quy định./.

Ngọc Xinh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra