“Tham nhũng vặt” được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề cập lần đầu tiên tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vào tháng 5 năm 2014. Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 của ngành Nội chính Đảng, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng “tham nhũng vặt” là tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
|
|
Hoạt động thanh tra tại Yên Bái. (Ảnh - HT) |
Những hành vi này được coi là “tham nhũng vặt” vì giá trị vật chất do hành vi tham nhũng mà có thường không lớn, do vậy, trong quá trình xử lý dễ bị bỏ qua hoặc hiểu sai bản chất của hành vi vi phạm pháp luật, coi đây không phải tội phạm.
Mặc dù giá trị vật chất do “tham nhũng vặt” mà có thường không lớn, tuy nhiên những biểu hiện, hành vi này nếu không được nhận diện, phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây bức xúc với xã hội, làm sai lệch giá trị chuẩn mực trong hệ thống các cơ quan công quyền, giám sút niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.
Theo đó, để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Thanh tra tỉnh đã đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 25/03/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ba là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm và những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, không cụ thể, rút ngắn thời gian giải quyết; nhằm khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật để khó có thể tham nhũng, tiêu cực được.
Bốn là, tiếp tục tổ chức thực hiện các quy định về phòng, ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, trọng tâm là: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để người dân giám sát, thực hiện.
Năm là, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp./.