Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất: Chấp hành nghiêm quy định về tần số vô tuyến điện

Thứ hai, 29/05/2023 15:49
(ThanhtraVietNam) - Kết luận thanh tra số 270/KL-TTIII ngày 16/5/2023 của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Công ty) cho thấy, Công ty đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được thành lập tháng 2/2017, là chủ đầu tư xây dựng, vận hành Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Về cơ cấu tổ chức, Công ty gồm: Ban Giám đốc; khối phục vụ sản xuất (19 bộ phận, phòng ban); khối sản xuất (11 nhà máy).

55 thiết bị phát sóng vô tuyến điện đều phát đúng tần số

Thực hiện Quyết định thanh tra số 21/QĐ-TTIII ngày 13/4/2023 của Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, từ ngày 25/4/2023 đến ngày 28/4/2023, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất về việc chấp hành pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Kết luận thanh tra cho thấy, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã nghiêm chỉnh chấp hành thủ tục xin cấp mới, gia hạn giấy phép cho các thiết bị vô tuyến điện theo đúng quy định; thực hiện đóng phí và lệ phí sử dụng tần số đầy đủ, đúng thời hạn.

Cụ thể, 19 giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện còn hạn sử dụng (15 giấy phép tại Khu Kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; 2 giấy phép Đài tàu; 1 giấy phép tại cảng Cái Cui, phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố cần Thơ; 1 giấy phép tại cảng Thiên Lộc Thành, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Đồng thời, Đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh đối với 8 hồ sơ gia hạn giấy phép sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện và 9 chứng từ thanh toán phí, lệ phí Tần số vô tuyến điện trong các năm 2022 và 2023; 6 giấy chứng nhận hợp quy. Kết quả cho thấy, các hồ sơ, giấy tờ của Công ty đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra thực tế và đo đạc 55 thiết bị phát sóng vô tuyến điện tại các địa điểm: Văn phòng chính, văn phòng 1, nhà máy Luyện Cốc, trạm điện, nhà máy Luyện gang, nhà máy Vôi - Xi măng, bộ phận Cảng, Talybox QC05, nhà máy Cán, điều hành đường sắt, Trung tâm điều độ Cảng, nhà máy mở rộng, an ninh cổng 2, nhà máy Luyện thép (Khu Kinh tế Dung Quất). Đoàn thanh tra kết luận, các thiết bị này đều phát đúng tần số và các quy định khác ghi trong giấy phép.

Bên cạnh đó, các chủng loại thiết bị đang sử dụng: Motorola EVX-261, Motorola XIR- C1200U, Motorola XIR-M3688, Icom IC-M73, Icom IC-M324, Motorola SLR- 5300, đều có giấy chứng nhận hợp quy.

Từ kết quả kiểm tra, xác minh, đo đạc thực tế, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III kết luận: Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất đã có báo cáo và cung cấp các giấy phép, hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo yêu cầu của Đoàn thanh tra. Công ty đã nghiêm túc chấp hành Quyết định thanh tra, hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn thanh tra triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch. Đặc biệt, kết quả đo, kiểm tra thực tế 55 thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng đúng quy định trong Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; các giấy phép, hồ sơ liên quan việc sử dụng thiết bị, tần số vô tuyến điện đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất chấp hành nghiêm quy định về tần số vô tuyến điện. (Ảnh: hoaphatdungquat.vn)

Thanh tra góp phần phát huy nhân tố tích cực

Như vậy, cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện đối với Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III đảm bảo đúng mục đích hoạt động thanh tra được quy định tại Điều 3 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Đó là hoạt động thanh tra không chỉ nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; mà còn phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Được biết, trong 03 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III đã triển khai công tác giám sát phù hợp với điều kiện, năng lực của các trạm kiểm soát (kiểm soát để chủ động phát hiện nguồn nhiễu có hại cho thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện được sử dụng hợp pháp, đo thông số kỹ thuật, đo độ chiếm dụng phổ tần…), hoàn thành công tác xác minh, xử lý 4 vụ can nhiễu có hại (3 vụ can nhiễu mạng thông tin di động, 1 vụ can nhiễu tần số chuyên dùng).  

Đáng chú ý, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai công tác kiểm soát, phát hiện 1 vụ sử dụng trạm BTS giả tại thành phố Pleiku. Từ vụ việc này, cơ quan Công an đã tiếp tục đấu tranh khai thác, phát hiện thêm 1 vụ sử dụng trạm BTS giả tại địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Cục trưởng giao, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III đã triển khai nghiên cứu, tìm hiểu mô hình kiểm soát của các nước trên thế giới; kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát máy bay không người lái (drone); nghiên cứu và đề xuất ý tưởng mới, nội dung mới, không gian mới trong công tác kiểm soát./.

 

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra