Chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước

Thứ ba, 01/10/2024 10:04
(ThanhtraVietNam) - Với mục tiêu bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.

Giám sát chặt chẽ 14 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống

Giải pháp hỗ trợ khách hàng sau bão số 3 của ngành Ngân hàng

Giao, bổ nhiệm ba lãnh đạo cấp vụ thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Báo cáo của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới theo hướng đẩy mạnh thanh tra chuyên đề, hướng tới tập trung hiệu quả nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm, góp phần duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Công tác giám sát tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra; bám sát, tham mưu xử lý những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát cũng được tăng cường nhằm bảo đảm giám sát kịp thời hơn tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), nâng cao hiệu quả phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức tháng 8/2024, Hội đồng quản trị Vietcombank đã thông qua quyết định bầu ông Nguyễn Tuấn Anh - Quyền Chánh TTGSNH vào thành viên HĐQT Vietcombank.

Theo ông Lại Hữu Phước - Phó Chánh TTGSNH, Phụ trách Cơ quan TTGSNH, có những khó khăn trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng như:

Một là, quy mô các TCTD ngày càng lớn, hoạt động ngày càng phức tạp và đa dạng, khối lượng công việc phải xử lý lớn hơn, nhiều công việc có tính phức tạp cao, trong khi đó lực lượng TTGS còn hạn chế;

Hai là, chất lượng thông tin, dữ liệu phục vụ giám sát chưa hoàn thiện, phụ thuộc nhiều vào tính trung thực, chính xác của số liệu do các TCTD báo cáo, hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, phương tiện hỗ trợ hoạt động giám sát còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác giám sát một số nội dung hoạt động chưa cao, một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn chưa phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý hiệu quả…

Ba là, một số sai phạm, tồn tại của các TCTD được tích tụ từ nhiều năm trước, để xử lý dứt điểm đòi hỏi phải phối hợp với nhiều cơ quan, bộ, ngành và phụ thuộc vào điều kiện thị trường, gây áp lực cho công tác TTGS.

Bốn là, tình hình tội phạm mạng, sử dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng có diễn biến phức tạp, gây tổn thất cho TCTD, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Năm là, số lượng cán bộ, công chức còn thiếu, trình độ không đồng đều, năng lực thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ thực hiện TTGSNH còn hạn chế và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính, ngân hàng.

Sáu là, công tác đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác TTGS đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra.

Bảy là, cơ sở pháp lý về TTGS cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để tăng cường hiệu quả, hiệu lực TTGSNH.

Tại một hội nghị về công tác TTGSNH, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng nhận định, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, hệ thống các TCTD đang từng bước đổi mới, phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, ngành Ngân hàng vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức; công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn khá ngổn ngang.

Hoạt động của nhiều TCTD còn tiềm ẩn rủi ro, gây áp lực lớn đến công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

leftcenterrightdel

Hội nghị công tác TTGS do NHNN tổ chức cuối tháng 9/2024. Ảnh: SBV

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, với mục tiêu bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, bảo đảm các TCTD chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, lãnh đạo NHNN luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác TTGS; quan tâm, thấu hiểu những khó khăn, áp lực của công tác này và ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Cơ quan TTGSNH, các NHNN chi nhánh trong triển khai các nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN yêu cầu:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2024, bảo đảm tiến độ triển khai từng đoàn thanh tra tuân thủ theo quy định của pháp luật; xây dựng sớm Kế hoạch thanh tra năm 2025, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nguồn lực của đơn vị và có tính dự phòng các công việc phát sinh đột xuất…

Thứ hai, khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra;

Thứ ba, tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để đôn đốc, thúc đẩy đoàn thanh tra bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Thứ tư, nâng cao chất lượng kiến nghị tại các kết luận thanh tra; kịp thời, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đảm bảo các TCTD thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý. Kịp thời lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng đối với các vi phạm, sai phạm của TCTD để xử lý theo quy định pháp luật...

leftcenterrightdel
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: SBV 

Thứ năm, tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát; tập trung giám sát về chất lượng tín dụng; việc cấp tín dụng đúng đối tượng và lĩnh vực..nhằm phát hiện các rủi ro, tồn tại, vi phạm quy định để kịp thời cảnh báo rủi ro, chỉ đạo có biện pháp xử lý góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD; tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD yếu kém, có nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 689 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về triển khai thực hiện Đề án 689. Giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Thứ bảy, hoàn thiện phương pháp, công cụ giám sát của Cơ quan TTGSNH, NHNN chi nhánh theo định hướng đảm bảo đầy đủ 29 nguyên tắc theo thông lệ quốc tế về TTGS hiệu quả của Ủy ban Basel; hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát.

Thứ tám, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của TCTD...theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của TCTD; đề xuất hoàn thiện các văn bản quy định về trình tự, thủ tục TTGS chuyên ngành ngân hàng, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật và đặc thù triển khai công tác.

Thứ chín, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Cơ quan TTGSNH theo mô hình mới, bảo đảm phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và tạo động lực làm việc cho cán bộ. Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức TTGS có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật, liêm chính, trách nhiệm trong thực thi công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức…

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra