Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về cụm công nghiệp

Thứ sáu, 03/05/2024 09:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là điểm mới trong Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp mới được Chính phủ ban hành ngày 15/3/2024; có hiệu lực từ 01/5/2024.
leftcenterrightdel
 Đất công nghiệp TP.HCM ngày càng hạn hẹp, Sở Công thương thành phố đề xuất làm nhà xưởng cao tầng trong cụm công nghiệp. Ảnh: baodautu.vn

Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 (gọi tắt là Nghị định) nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho địa phương và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, Nghị định cũng hướng tới tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2024, có một số điểm mới nổi bật và một số thay đổi đáng chú ý so với các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trước đây như sau:

Thứ nhất, để phù hợp với quy định của Luật Đất đai hiện hành (khoản 2 Điều 149) về cơ chế cho thuê đất đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và phát huy hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng thời gian qua, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đối với các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP tiếp tục hoạt động đến khi có quyết định sắp xếp, xử lý của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và pháp luật liên quan.

Thứ hai, để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư; kế thừa, giữ nguyên các nguyên tắc, nội dung quản lý đã được quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đang phát huy hiệu quả; tiếp tục thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý công thương địa phương trong quản lý cụm công nghiệp,… Nghị định số 32/2024/NĐ-CP tiếp tục quy định thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trong đó có lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp) và đồng thời giao trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.

Thứ ba, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp) việc điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 05 ha so với quy hoạch được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch khác trên địa bàn; đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.

Thứ tư, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đối với điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nếu cụm công nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp. Kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ ngân sách nhà nước không được tính vào giá cho thuê đất, giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp; chi phí quản lý, sửa chữa, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật được tính vào giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp. Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nội dung này thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Thứ năm, về ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Việc áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan) để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Thứ sáu, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo hướng đơn giản, linh hoạt xử lý cho địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung trong quản lý cụm công nghiệp (thống nhất các nội dung của Quyết định thành lập cụm công nghiệp, xử lý trường hợp đối với cụm công nghiệp có diện tích lớn hơn 75 ha, việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và xử lý công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước - nếu có). Theo đó, Nghị định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp, tổ chức rà soát lại hiện trạng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ pháp lý liên quan của cụm công nghiệp để làm rõ sự cần thiết, phù hợp quy định pháp luật, tính khả thi và quyết định việc thành lập cụm công nghiệp.

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP được xây dựng và ban hành là cơ sở pháp lý để các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp ở nông thôn gắn với thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.

Nghị định này thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp  và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

Nghị định 32/2024/NĐ-CP gồm 7 chương và 38 Điều, trong đó:

- Chương I: Quy định chung (gồm 03 Điều từ Điều 1 đến Điều 3): Chương này chủ yếu quy định Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định; giải thích các từ ngữ của Nghị định (như: CCN, CCN làng nghề, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của CCN, diện tích đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy của CCN, Phương án phát triển CCN, quyết định thành lập, mở rộng CCN, cơ sở dữ liệu CCN) để thống nhất cách hiểu, áp dụng. Chương này cũng quy định ngành, nghề sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào CCN để các địa phương áp dụng ưu tiên trong quá trình thực hiện.  

- Chương II: Phương án phát triển, thành lập, mở rộng CCN (gồm Mục 1 Phương án phát triển CCN với 04 Điều, từ Điều 4 đến Điều 7; Mục 2 Thành lập, mở rộng CCN với 05 Điều, từ Điều 8 đến Điều 12):

+ Mục 1 quy định cụ thể cơ sở xây dựng, nội dung chủ yếu của Phương án phát triển CCN; Xây dựng, tích hợp phương án phát triển CCN vào quy hoạch tỉnh; Cơ sở, nội dung chủ yếu của điều chỉnh phương án phát triển CCN; Xây dựng, tích hợp điều chỉnh phương án phát triển CCN vào điều chỉnh quy hoạch tỉnh.

+ Mục 2 quy định cụ thể các điều kiện thành lập, mở rộng CCN; Hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN; Trình tự thành lập, mở rộng CCN; Nội dung thẩm định thành lập, mở rộng CCN; Nội dung chủ yếu của quyết định thành lập, quyết định mở rộng CCN; Điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, quyết định mở rộng CCN.

Chương III: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN (gồm 07 Điều, từ Điều 13 đến Điều 19): Chương này quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; Trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN; Quy hoạch chi tiết xây dựng CCN; Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; Quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; Nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.

Chương IV: Đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN (gồm 05 Điều, từ Điều 20 đến Điều 24): Chương này quy định cụ thể về tiếp nhận dự án đầu tư vào CCN; Thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong CCN; Quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chương V: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN (gồm 03 Điều, từ Điều 25 đến Điều 27): Chương này quy định cụ thể CCN thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương); quy định hỗ trợ các hoạt động phát triển CCN để làm căn cứ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương tổ chức triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển CCN.

Chương VI: Quản lý nhà nước đối với CCN (gồm 07 Điều từ Điều 28 đến Điều 34): Chương này tập trung phân định, quy định về quản lý nhà nước đối với CCN, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Công Thương và các Bộ liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm nhiều hơn cho cơ quan quản lý nhà nước về công thương địa phương để có công cụ, điều kiện thực hiện vai trò, chức năng đầu mối quản lý các CCN trên địa bàn.

Chương VII: Điều khoản thi hành (gồm 04 Điều từ Điều 35 đến Điều 38): Chương này quy định về giải quyết một số vấn đề về quy mô diện tích theo quy định của các CCN hình thành trước đây; việc điều chỉnh, bổ sung CCN trước khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt; xử lý thành lập CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg; khen thưởng, xử lý vi phạm và hiệu lực, trách nhiệm thi hành Nghị định.


BTV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra