Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh các giải pháp khác, việc sử dụng công cụ thuế (trong đó có việc miễn, giảm thuế) cũng là một biện pháp để Chính phủ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp ngành hàng không duy trì được hoạt động kinh doanh, góp phần giảm giá thành các dịch vụ hàng không, từ đó kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, góp phần vực dậy ngành vận tải hàng không khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Một số nước trên thế giới cũng đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trước dịch Covid-19 như: Trung Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Úc miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và phí an ninh hàng không; Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 06/02/2020 đến 30/9/2020) cho các đường bay nội địa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về việc các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Đề xuất giảm thuế BVMT góp phần giảm gánh nặng cho DN vận tải hàng không. Ảnh: P.PV&BT
Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Bộ Tài chính đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia và hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết. Dự án Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Mục đích của việc xây dựng Nghị quyết là góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trước bối cảnh dịch Covid-19; giảm chi phí cho ngành hàng không nhằm kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không; đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 trên cơ sở phù hợp với bối cảnh ngân sách nhà nước trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với bối cảnh chung của nhiều nước trên thế giới trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19.
Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT, ngày 26/9/2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế BVMT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019), trong đó quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế). Số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định từ năm 2012 đến nay. Số thu thuế BVMT đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là 2.939 tỷ đồng/năm...
Như vậy, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế BVMT cụ thể tại Luật, cùng với các giải pháp khác thì việc đề xuất giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết./.
Lan Anh