Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc xử phạt vi phạm hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Chưa quy định trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính
Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 05/6/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình về kết quả rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy, một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập Biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập Biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”.
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật chưa có quy định cụ thể về việc lập Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận (thời điểm lập Biên bản, các nội dung để thể hiện trong mẫu Biên bản).
Ví dụ, trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hoặc xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp nhưng chủ sở hữu không đến nhận, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải lập Biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, các nội dung của Biên bản vi phạm hành chính sẽ không thể hiện được, như: Tên tổ chức/cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm. Do đó, việc lập Biên bản vi phạm hành chính sẽ không đúng với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (thiếu các nội dung cơ bản của Biên bản vi phạm hành chính).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, gồm có người ra Quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.
Trong khi đó, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế...) và các đơn vị trực thuộc như Chi cục Hải quan, Chi cục Thuế, Đội Quản lý thị trường... có trụ sở đóng tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh nhưng vẫn là cơ quan cấp tỉnh.
Vì vậy, việc thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải mời đại diện Sở Tài chính là thành viên Hội đồng. Dẫn đến khó khăn về mặt thời gian, khoảng cách địa lý..., khó bảo đảm cho công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng thời gian quy định, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý vụ việc vi phạm hành chính.
Thời hạn chuyển Biên bản vi phạm hành chính quá ngắn
Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, thời gian chuyển Biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập Biên bản là quá ngắn. Điều này gây khó khăn trong việc chuyển hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền, đặc biệt là đối với đơn vị ở vùng sâu, vùng xa hoặc thời điểm lập Biên bản vào cuối ngày mà ngày tiếp theo là ngày nghỉ, ngày lễ thì không đảm bảo được thời hạn chuyển giao Biên bản vi phạm hành chính.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Bình, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thời hạn ra Quyết định xử phạt trong trường hợp phải thực hiện việc xác minh tình tiết vụ việc đối với “sự kiện bất khả kháng” như thiên tai, dịch bệnh...
Thêm nữa, việc xác minh tình tiết trong trường hợp này rất khó thực hiện vì trên thực tế nhiều đối tượng vi phạm hành chính ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh bị cách ly, bị phong tỏa không thể ra khỏi khu vực bị cách ly, phong tỏa... để đến làm việc trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đang xử lý vụ việc hoặc không thể ủy quyền cho người đại diện đến làm việc với cơ quan đang xử lý vụ việc. Chưa kể, cơ quan chức năng không thể đến trực tiếp tại địa phương nơi đối tượng vi phạm hành chính đang cư trú. Vì vậy, quá trình xử lý vi phạm hành chính khó đảm bảo tuân thủ đúng thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ) hoặc thời hạn ra quyết định xử phạt phạm hành chính.
Ngoài ra, có mẫu biểu theo quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa hợp lý. Cụ thể, mẫu Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (mẫu Biên bản số 20) không có trường thông tin thể hiện (họ và tên, địa chỉ...) của người chứng kiến trong nội dung biên bản nhưng cuối biên bản lại có mục của người chứng kiến ký tên.
Kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung
Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 58 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): Tăng thời hạn chuyển hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền từ “thời hạn 24 giờ” lên “thời hạn 48 giờ” để phù hợp với thực tế.
Đồng thời, xem xét bổ sung quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thời hạn ra quyết định xử phạt trong trường hợp phải thực hiện việc xác minh tình tiết đối với “sự kiện bất khả kháng” như thiên tai, dịch bệnh. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung những nội dung vướng mắc của các mẫu biểu theo quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn việc xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đối với các loại sản phẩm hàng hóa có quy chuẩn kỹ thuật hoặc mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, như: Mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, nồi cơm điện, điều hòa... theo hướng: Đối với các vụ việc có số lượng tang vật nhỏ lẻ, giá trị thấp hơn nhiều so với chi phí kiểm nghiệm thì xử lý theo hình thức tiêu hủy./.