Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn học sinh, sinh viên có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa sâu sát, quyết liệt; chưa phát huy tốt vai trò của cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên, phụ huynh, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội và chính quyền địa phương trong quản lý các nhà trường. Vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn. Mặt trái của nền kinh tế thị trường; hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim ảnh, internet, sách báo... đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, nếu không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Chỉ thị 31/CT-TTG nêu rõ, để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo; Hướng dẫn học sinh thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy phù hợp với lứa tuổi; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về giáo dục đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trường học; tổng kết Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” (Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2015) và đề xuất chương trình, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo; Tổ chức thực hiện có nền nếp hoạt động chào cờ, hát Quốc ca; thể dục giữa giờ; lao động, vệ sinh trường, lớp; tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cộng đồng; Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức, các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục khác có liên quan; các cơ sở đào tạo giáo viên chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo giáo viên về đạo đức nhà giáo; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, giáo viên các bộ môn; Phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý, nhà giáo về đạo đức, lối sống, không dạy thêm, học thêm trái quy định; Đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh, sinh viên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường công tác quản lý và chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thuộc phạm vi quản lý; Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương và bảo đảm không làm tăng biên chế.
Ngoài ra, tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá hiện có phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh của học sinh, sinh viên. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chương trình liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống theo quy định.
Đối với các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tin và Truyền thông, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các biện pháp tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống. Xử lý theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân tuyên truyền các hành vi, lối sống tiêu cực, không lành mạnh./.
Lan Anh