1. Xuất bản phẩm trẻ em phải ghi rõ đối tượng phục vụ
Có hiệu lực từ ngày 1-10, Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định chi tiết khoản 2 điều 46 Luật Trẻ em về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ; yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Theo đó, xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi sau: dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi, dành cho trẻ em từ 11 đến dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật (đối với báo chí) hoặc sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm (đối với xuất bản phẩm): trẻ em dưới 7 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của trẻ và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định.
Đặc biệt, xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ phải ghi dòng chữ "Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc" tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.
2. Bốn môn thi thăng hạng dành cho giáo viên công lập
Từ ngày 3/10, Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ có hiệu lực. Theo đó, 4 môn thi thăng hạng gồm: kiến thức chung; chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ và tin học. Tùy theo việc thăng hạng mà nội dung thi 4 môn này khác nhau. Ngoài ra, Thông tư 20 cũng quy định các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ.
3. Giảng viên ngành y phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh
Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/10 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH. Theo đó, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe theo quy định.
Ngoài ra, các ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo.
4. Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 86/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.
Theo đó, khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016. Đồng thời, mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.
Tháng 10, nhiều thông tư, quy định mới sẽ có hiệu lực
5. Sử dụng lao động nước ngoài phải báo cáo giải trình nhu cầu qua mạng điện tử
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 02/10/2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử.
Theo đó, trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
6. Hỗ trợ học sau tiến sỹ ở nước ngoài
Thông tư 88/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng NSNN sẽ có hiệu lực từ ngày 07/10/2017.
Theo đó, các đối tượng được cử đi bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ngoài sẽ được đảm bảo các quyền lợi BHYT bằng việc Nhà nước tài trợ đầy đủ các khoản chi phí đóng BHYT.
7. Quy định mới về thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan
Đây là quy định được nêu tại Thông tư 208/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 10/10/2017 hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp (QNCN).
Theo đó, đã thay đổi quy định về thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN đối với sĩ quan so với quy định hiện hành tại Thông tư 152/2007/TT-BQP ngày 25/9/2007. Bên cạnh đó, Thông tư 208 còn quy định về việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn QNCN.
Quỳnh An