Tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay

Thứ hai, 23/10/2023 13:40
(ThanhtraVietNam) - Tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào khoa học - công nghệ, đồng thời có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính điều này đã tạo “sinh khí mới” thay đổi cách thức công tác quản lý nhà nước phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay.

Một số thành tựu triển khai thực hiện

Cổng Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) quốc gia được Bộ Tư pháp xây dựng đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL theo định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bảo đảm tính tương tác, gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác PBGDPL; hoạt động trên nhiều nền tảng thiết bị; hướng tới các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL; giao diện Cổng Thông tin điện tử PBGDPL được thiết kế khoa học, thân thiện; ưu tiên vị trí nổi bật để bố trí các chuyên mục, chức năng phục vụ thông tin PBGDPL đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Việc xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm để đăng tải lên Trang thông tin điện tử PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân được thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng (bài giảng điện tử, video tiểu phẩm pháp luật, câu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, tài liệu giới thiệu các luật, pháp lệnh mới ban hành…); tổ chức các chương trình truyền thông, xây dựng các ấn phẩm, bài viết về pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội và đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL, Cổng thông tin PBGDPL quốc gia.

leftcenterrightdel
Cổng Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Ảnh: ST  

 Bên cạnh đó, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã biên soạn và đăng tải nhiều tin bài, bài viết, tài liệu PBGDPL lên Cổng/Trang/Chuyên mục PBGDPL thuộc phạm vi quản lý. Đa số các địa phương đã sử dụng các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi trực tuyến (Zalo, Viber, Mocha35…) và mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Lotus…) để thông tin, phổ biến pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương cho người dân. Đây cũng dần trở thành một trong những kênh quan trọng, dễ tiếp cận, được các địa phương lựa chọn nhằm đưa thông tin, PBGDPL tới người dân một cách nhanh nhóng và có sức lan tỏa rộng lớn. Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL như: giới thiệu các địa chỉ website về pháp luật cho học sinh và cán bộ, giáo viên; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm phổ biến các văn bản pháp luật mới theo hình thức trực tuyến.

Một số bộ, ngành đã tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng PBGDPL, trong đó có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cho cán bộ tham mưu công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật và chuyên viên công nghệ thông tin của các bộ, ngành. Hàng năm, các địa phương đã tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ tin học cho cán bộ làm công tác PBGDPL.

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, chưa ban hành Kế hoạch thực hiện; tình hình triển khai một số hoạt động của còn chậm. Nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL còn hạn chế; hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa bố trí cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin đảm nhiệm. Việc thực hiện xã hội hóa trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác PBGDPL gặp nhiều khó khăn. Chất lượng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL còn chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.

Việc xây dựng Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương còn chậm tiến độ; các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử PBGDPL còn thiếu phong phú; các Cổng/Trang Thông tin PBGDPL chưa có phần mềm, ứng dụng công nghệ trực tuyến trong PBGDPL như: Diễn đàn trao đổi trực tuyến; tư vấn, hỏi đáp pháp luật trực tuyến để phục vụ hiệu quả, thuận tiện hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia đã được xây dựng và vận hành thử nghiệm nhưng cấu trúc dữ liệu thông tin về PBGDPL để xây dựng dữ liệu dùng chung chưa được hoàn thiện; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp; nền tảng số hóa công tác PBGDPL chưa được phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân chưa có thói quen chủ động, tìm hiểu pháp luật trên internet. Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Kinh phí triển khai thực hiện chưa được bố trí kịp thời, chưa bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến một số nhiệm vụ, giải pháp của chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện. Quy định của pháp luật về xã hội hóa công tác PBGDPL chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.

Giải pháp trong thời gian tới

Thứ nhất, cấp uỷ, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện; tăng cường phối hợp, chủ động giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong triển khai có hiệu quả công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong PBGDPL.

Thứ hai, cần có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có sự trao đổi kinh nghiệm; ứng dụng các thành tựu, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu tương tác, trực tuyến phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
  Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Ảnh minh hoạ: ST

Thứ ba, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời sơ kết, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong ứng dụng CNTT về PBGDPL; phát hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

Thứ tư, phát huy đầy đủ trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng hệ thống thông tin PBGDPL nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL nói chung; tăng cường trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, lĩnh vực quản lý.

Thứ năm, bảo đảm nguồn lực con người, kinh phí cho việc thực hiện Đề án xây dựng hệ thống thông tin PBGDPL, tăng cường xã hội hóa trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác PBGDPL; cần có các giải pháp bắt nhịp với định hướng chuyển đổi số quốc gia thời gian tới./.

Trần Văn Duy - Bộ Tư Pháp
Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra