Chòng chành những mái chèo Cồn Phụng

Thứ bảy, 15/09/2012 11:15
Không kể nắng hay mưa, mỗi khi có người gọi thì các "bà lái đò” tại các con rạch Cồn Phụng lại miệt mài đưa du khách đến bến thuyền du lịch. Quanh năm làm bạn với sông nước, mái chèo, chắt chiu, gom góp từng đồng bạc lẻ, cuộc đời lênh đênh, gập ghềnh theo con nước của những người lái đò trên sông thật lắm nỗi gian truân.


Bà Nguyễn Thị Hậu miệt mài đưa đò dù tuổi đã cao



Cực lắm tay chèo

Chúng tôi trở về Cồn Phụng vào một ngày giữa tháng 8. Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành (Bến Tre), có diện tích khoảng 28 ha - một điểm du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái. Với đủ loại trái ngon đặc sản của Nam Bộ như: mít nghệ, sa bô chê, bưởi, cam, xoài... và đặc biệt là dừa nước ở đây ngọt lịm không phải tỉnh nào cũng có. Thế nhưng bên cạnh đó, có không ít chị em phụ nữ, bà già lại tìm đến với nghề chèo đò đưa khách... Có nhiều lý do khiến họ tìm đến cái nghề này để mưu sinh, nhưng phần lớn đều do cuộc sống ở nơi "chôn nhau, cắt rốn” quá khó khăn.

Dọc theo những con rạch chạy thẳng ra Sông Tiền chúng tôi đếm được gần 100 xuồng, ghe do các chị, các mẹ cầm chèo. Với nam giới, công việc chèo đò vốn vất vả, với phụ nữ khó khăn càng thêm bội phần. Vậy mà, do cuộc sống, miếng cơm manh áo hằng ngày của họ đều trông chờ vào việc chèo đò chở khách. Không ai có thể nhớ nổi cái nghề chèo đò đưa khách sang sông ở khu vực Cồn Phụng này hình thành từ bao giờ. Chỉ biết việc dầm mưa, dãi nắng năm này qua tháng nọ khiến những phụ nữ sống bằng nghề đưa đò ai nấy cũng già trước tuổi. Làn da đen xạm vì nắng, họ đội trên đầu những chiếc nón lá cũ mèm, khoác những tấm áo đã sờn từ lâu lắm. Những hình ảnh ấy đã hết sức quen thuộc với người dân miệt vườn nơi đây. Chị Nguyễn Phượng trải qua gần 20 năm sống với nghề đưa đò, nay đã bước sang tuổi tứ tuần, đang ngồi bần thần trên đò đợi khách tâm sự: "Tôi học ít, nhà nghèo, ruộng vườn cũng chẳng được bao nhiêu lại không vốn liếng nên tôi vay tiền mua một chiếc thuyền làm "cần câu cơm”. Năm nay thằng con thứ hai lại chuẩn bị vào cấp 2, gánh nặng ngày càng chồng chất, không biết phải xoay sở thế nào …”. Nghề chèo đò chỉ giúp gia đình chị Phượng sống lay lắt qua ngày. Tuy nghề không nặng nhọc nhưng rất vất vả mỗi khi vào mùa giông bão. "Nhiều lúc gặp dòng nước ngược thì đưa khách tới điểm ghe lớn là tôi ngồi thở dốc. Vậy đó mà vui, vui vì được tiếp xúc với nhiều người, biết được nhiều chuyện nơi đây nơi đó” – chị Phượng thổ lộ. Do Cồn Phụng là điểm du lịch sinh thái thường xuyên để đón tiếp du khách nước ngoài tham quan các điểm du lịch miệt vườn, nên phần lớn những phụ nữ đưa đò ít nhiều cũng tranh thủ "học” nói ít tiếng nước ngoài để thuận tiện trong việc đưa đón khách. Nhắc chuyện này, chị Nguyễn Thị Ánh Sáng cười: "Ở đây tụi tôi nói toàn tiếng "lóng”, nếu du khách không hiểu thì mình ra dấu. Họ gật đầu coi như là "OK”. Còn những câu chào hỏi hay giao dịch quen thuộc để biết du khách muốn đi đâu và để ngã giá thì chị em tôi đã thuộc làu”. Theo chị Hương Lan – hướng dẫn viên du lịch của công ty Du lịch Cồn Phụng cho biết: Nghề chèo đò xuất hiện trên sông từ rất lâu và hưng thịnh nhất là lúc xuồng máy chưa phổ biến. Từ khi có xuồng máy thì nghề chèo đò cũng giảm, chỉ hoạt động tại các con rạch ở Cồn Phụng, những nơi mà xuồng máy của công ty không vào được. Từ đó, việc mưu sinh bằng nghề chèo đò cũng có phần khắc nghiệt hơn.

Chờ tương lai thay đổi

Tiếp xúc với các chị làm nghề chèo đò, chúng tôi cảm nhận được ở các chị đều có một điểm chung là nghèo. Đó là hoàn cảnh chung của hầu hết trong số hàng trăm phụ nữ làm nghề đưa đò dọc sông Tiền. Và hầu hết những phụ nữ đưa đò ở khu vực xã Tân Thạnh từ lâu đã ấp ủ giấc mơ được đổi đời, ai cũng muốn "lên bờ” nhưng lại không biết "lên” rồi sẽ làm gì để sống? Vòng tròn quanh quẩn lại trở lại với mái chèo, con nước để mưu sinh. Nhiều người cho rằng "nghề này hẩm hiu, bạc bẽo lắm” bởi những lúc mưa gió, ế ẩm, nhiều người phải bấm bụng chạy vay tiền để xoay xở cho cuộc sống. Còn những lúc gặp khách du lịch, hay người dân muốn đi từ cồn ra cầu thì dù trời mưa, gió cũng phải chèo. Với thâm niên 10 năm sống với phận đưa đò, chị Thanh Hương cho biết: "Làm nghề này phải chịu khó, chịu khổ, dù nắng hay mưa cũng đều phải ngồi ngoài trời để đón khách”. Dù thu nhập không nhiều, lại cực, nhưng dù sao thì bao năm nay, nhờ cái nghề đưa đò mà gia đình chị cũng đã sống được qua ngày đoạn tháng, con cái chị được đến trường cùng chúng bạn. "Thôi kệ, tới đâu hay tới đó” – chị tâm tư.

Đậu ngay bên cạnh đò của chị Hương là đò của cô gái mới vừa tròn 20 tuổi, nhưng đã có thâm niên trong nghề 6 năm. Lớn lên ở sông nước, nên mới 10 tuổi Mai đã bắt đầu làm quen với công việc vốn rất nặng nhọc này. Sau khi nghỉ học, Mai ra "làm bạn” với mái chèo từ sáng sớm cho đến tối mịt mới trở về nhà. Một ngày làm việc cật lực, chị cũng chỉ đưa được 4 – 6 chuyến, mỗi chuyến 15 nghìn. Dấu ấn rõ nhất của gần 6 năm cầm chèo để lại trên thân thể Mai là đôi cánh tay vồng lên quá khổ, khiến người cô như lệch hẳn đi. Biết làm sao! Đôi cánh tay ấy đã từng phải gồng lên hết sức mới thắng nổi sức nước đẩy trôi con đò lắm lúc chở tới 7 - 8 người. Những người đưa đò ở Cồn Phụng ai cũng nể phục bà Nguyễn Thị Hậu – thường được du khách gọi là "bà má sông Tiền chèo đò” có thâm niên gần 40 năm làm nghề đưa đò, đến nay đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn chưa chịu nghỉ "hưu”. 4 người con của bà sau này cũng lần lượt theo nghề mẹ.

Chính vì không vốn liếng, ruộng vườn ít nên chèo đò là nghề "gia truyền” của không ít gia đình sống ở khu vực này. Đã quá thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của nghề này nên dường như không ai trong số họ muốn thế hệ con cháu mình đi theo nghề trong khi họ vẫn phải cố chèo kiếm tiền lo cho con ăn học để chúng có điều kiện đổi đời. Do vậy, ngày ngày trên các con rạch ở Cồn Phụng, những chiếc đò vẫn tròng trành nối dài cặp hai bên con rạch chờ đón khách. Phận nữ chèo đò cứ thế mãi lênh đênh theo con nước thủy triều lúc lớn, lúc ròng…

Theo Thanh Hải
Đại Đoàn kết

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra