Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo: “Người trẻ phải học cách thay đổi để thành công”

Thứ hai, 03/07/2017 13:49
(ThanhtraVietNam) - Là Tổng Giám đốc của một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, cũng là tác giả của cuốn sách vừa xuất bản “Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo?”, song tác giả Đỗ Cao Bảo lại tiết lộ một bí mật hết sức bất ngờ: thời học sinh, anh là học sinh... dốt Văn nhất lớp.

“Tôi viết để truyền lửa cho các bạn trẻ”

Hiện nay, khi nhắc đến cái tên Đỗ Cao Bảo mọi người không còn lạ lẫm gì. Ông không chỉ nổi tiếng ở ngoài đời thực với tư cách là một doanh nhân thành đạt, một nhà quản lý doanh nghiệp “cừ khôi” mà còn là một cái tên “hot” trong cả thế giới ảo (mạng xã hội Facebook) bởi những bài viết ngắn gọn, súc tích, song cũng phân tích hết sức thấu đáo và sâu sắc về các khía cạnh của đời sống như kinh doanh, khởi nghiệp, thành công, thay đổi tư duy, tính cách người Việt... tác động sâu rộng đến cộng đồng mạng.

Vừa qua, những bài viết của ông chia sẻ trên mạng xã hội đã được tập hợp và in thành cuốn “Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo?” do NXB Thaihabooks in và xuất bản. Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, có sức lan tỏa và tác động mạnh đến độc giả, đặc biệt là giới doanh nhân và giới trẻ.

Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông mang trong mình khát vọng mà như ông từng tâm sự đó là “khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, khát vọng rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, khát vọng vươn tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường, sánh vai bạn bè quốc tế, được bạn bè quốc tế nể trọng”.

leftcenterrightdel

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó TGĐ Tập đoàn FPT: “Tôi viết để mong người trẻ thay đổi”. 

 

Trò chuyện với PV ThanhtraVietnam, ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ: “Khát vọng Việt đó tôi tìm thấy ở anh Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, từ các thành viên sáng lập FPT, các cộng sự, đồng nghiệp, bạn hàng, đối tác kinh doanh, gia đình và bạn bè của tôi. Tôi đã nhận ra điều đó và viết. Tôi viết ở mọi lúc, mọi nơi. Viết trong những lúc rảnh rỗi, giữa những chuyến bay, giữa những thương vụ kinh doanh. Tôi cũng viết ở nhà, viết trên ô tô, viết ở sân bay, viết ở bãi biển, viết ở bất cứ nơi nào mà tôi có cảm xúc.

“Tôi viết với một niềm tin sâu sắc rằng giống như ngọn lửa thiêng trên đỉnh Olympia không bao giờ tắt, ngọn lửa khát vọng Việt sẽ được duy trì thông qua việc truyền từ người Việt Nam này sang người Việt Nam khác, từ thế hệ Việt Nam này sang thế hệ Việt Nam khác”, ông Đỗ Cao Bảo tâm sự.

Ông Đỗ Cao Bảo hi vọng những trang viết của mình sẽ có những tác động tích cực đến các bạn trẻ, nhất là trong xu hướng khởi nghiệp hiện nay: “Việc các bạn đọc, nghiền ngẫm, chia sẻ và trải nghiệm một vài điều tâm đắc trong cuốn sách này cũng là một phần của quá trình truyền lửa khát vọng Việt. Và thông qua những trang viết, tôi cũng muốn truyền lại ngọn lửa đó cho các bạn trẻ”.

“Nói và viết cần phải mạch lạc, logic”

Trong cuộc trò chuyện cởi mở với PV, Phó TGĐ Tập đoàn FPT đã vui vẻ “bật mí” điều bí mật của ông thời còn là học sinh phổ thông: ông từng bị các giáo viên nhận xét là học sinh học kém môn Văn nhất lớp.

“Ngày xưa học hệ 10 năm và thang điểm 10, điểm tổng kết môn Văn của tôi luôn thấp nhất so với các bạn trong lớp. Tổng kết toàn 4.9, sau đó được cô giáo cho làm tròn lên 5.0 vì lớp lấy thêm một suất học sinh tiên tiến cho đủ thành tích”, ông Đỗ Cao Bảo vui vẻ nói.

Cuốn sách tập hợp những bài viết trên mạng xã hội Facebook của ông Đỗ Cao Bảo đã được tập hợp và xuất bản thành sách.

leftcenterrightdel
Cuốn sách ông Đỗ Cao Bảo viết mới xuất bản gần đây đã và đang thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là người trẻ

Ông Đỗ Cao Bảo giải thích: “Lý do mà cô giáo thường nhận xét trong các bài tạp làm văn của tôi là câu văn lủng củng, sai lỗi chính tả, viết văn lung tung. Chỉ duy nhất một lần là vào năm cuối cấp, khi tôi học lớp 10, cô giáo dạy Văn cho tôi điểm tổng kết môn Văn của tôi 7 điểm. Trong phần lời phê, cô giáo viết: đủ ý, mạch lạc, logic. Còn phần nhận xét thêm thì lại cũng giống các cô giáo trước”.

“Sau này, khi đi làm, có những trải nghiệm từ thực tế, mình mới rút ra rằng điều quan trọng khi nói và viết là phải ý đúng. Anh muốn nói và viết gì cũng phải đủ ý, thêm vào đó là lí luận phải logic, mạch lạc thì người nghe, người đọc mới hiểu được”, ông Đỗ Cao Bảo nhận xét.

Nhận xét về khuynh hướng quan điểm của người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng chủ yếu có hai nhóm người có quan điểm “cực đoan” và “khó thay đổi” được: “Nhóm cực đoan thứ nhất thì cho rằng nguyê nhân khiến đất nước nghèo là do thể chế, do độc đảng, do không dân chủ... Thì nhóm này cũng có tư tưởng cực đoan, rất khó thuyết phục để thay đổi tư tưởng của họ. Nhưng mình vẫn có thể có những phản biện lại họ để hạn chế sự ảnh hưởng cực đoan từ họ.

Nhóm thứ hai là nhóm quá thủ cựu, không có đầu óc phản biện. Nhóm này thì cho rằng Việt Nam cái gì cũng tốt đẹp, nên khi mình cất lên tiếng nói phản biện mang tính xây dựng về một vấn đề gì đấy thì nhóm này cho rằng mình đang nói xấu đất nước, nói nhà nước, nói xấu dân tộc, thế là không được”.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, cả hai khuynh hướng tư tưởng “cực đoan” trên đều có tác động không tốt đến tư tưởng của lớp trẻ, nhất là khi người trẻ là đối tượng chính sử dụng nhiều nhất mạng xã hội hiện nay.

“Mình nghĩ lớp trẻ thì thường thường nằm ở giữa chừng của hai khuynh hướng tư tưởng của hai nhóm nói trên. Thế nên nếu không có người dẫn dắt thì tư tưởng người trẻ rất dễ ngả sang bên này hoặc ngả sang bên kia. Nên mình cho rằng nhiệm vụ của những người có trách nhiệm là phải kéo người trẻ ở trạng thái cân bằng, cần tỉnh táo để nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo, đầy đủ, không nên quá cực đoan theo một thái cực nào”./.

Lưu Thủy

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra