|
Makgeolli truyền thống có màu trắng đục - Ảnh. D.Nguyên |
Makgeolli (hay Makkori) là loại rượu gạo truyền thống lâu đời nhất của người dân xứ sở kim chi. Trong tiếng Hàn, cái tên Makgeolli được dùng từ chữ Makgeoleoseo, có nghĩa “lọc qua loa”. Với người Hàn Quốc, đây là loại đồ uống không thể thiếu trong các dịp lễ tết truyền thống quanh năm như tết âm lịch, lễ Chuseok (Trung thu) hay lễ hội hoa anh đào tháng 4.
Makgeolli thật sự được phổ biến từ khoảng thế kỷ 10 dưới triều đại Goryeo bằng việc góp mặt trong các bữa tiệc cung đình, được coi như “người bạn thân thiết với các điệu nhảy”.
Ngày nay, Makgeolli cũng được xem như một món uống yêu thích của mọi lứa tuổi, bất kể nam hay nữ. Đặc biệt giới trẻ Hàn Quốc vẫn coi Makgeolli như một người bạn không thể thiếu khi tụ tập, cả ngày thường lẫn dịp lễ tết.
Makgeolli cũng được xem là “món rượu nhiều tên nhất” của người Hàn Quốc. Người ta ước tính có trên 700 loại rượu Makgeolli. Tên rượu thay đổi theo thời gian, hoặc được gọi theo nguyên liệu, cách chế biến, theo kinh nghiệm, đôi khi tên lại phụ thuộc vào cách ủ rượu.
Trong lịch sử, mỗi thời kỳ Makgeolli lại mang một tên khác nhau. Thuở khai sinh loại rượu này được gọi với cái tên là “rượu nongju” (trong tiếng Hàn có nghĩa là rượu nông dân) phổ biến được dùng cho người nông dân như một món giải khát.
Ngày nay, nhiều vùng đất ở Hàn Quốc gọi Makgeolli là rượu Takju (có nghĩa là rượu lên men, không qua chưng cất). Và nếu thay đổi một chút về thành phần (như loại ngũ cốc, loại quả hoặc sâm dùng để lên men cùng), Makgeolli lại mang một cái tên khác, phù hợp với những người uống khác.
Ví như các loại Makgeolli thủy sâm (ngâm nhân sâm), Makgeolli chiết xuất hồng sâm, hoặc các loại Makgeolli hoa quả vị omija, yooja, kiwi, cam hoặc xoài… rất được phụ nữ ưa chuộng. Các loại Makgeolli có cà phê espresso hoặc Makgeolli nguyên chất truyền thống đặc biệt thu hút giới trẻ.
Khi thưởng thức Makgeolli, người Hàn cũng có một số phong tục đặc biệt. Makgeolli thường được uống bằng bát sứ, sau khi uống là phải đặt thìa với muỗng bên cạnh nhau trên bát rượu. Makgeolli cũng thường được thưởng thức kèm với các loại đồ ăn nóng như thịt nướng, các loại lẩu như Nakji jeongol, Kimchi jjigae hay Beoseot jeongol…
Những người ngoại quốc khi tới nhà hàng truyền thống Hàn Quốc bao giờ cũng được chủ quán giới thiệu món uống là Makgeolli. Nếu biết bạn uống lần đầu, chủ quán chắc chắn sẽ tới và hướng dẫn bạn cách mở nắp chai, “bạn nên lắc thật đều chai rượu, sau đó dùng tay bóp nhẹ xung quanh và mở nắp từ từ”.
Rượu Makgeolli truyền thống có màu trắng đục, khi mới mở nắp thường có khí gas, nhưng khi rót lại có cảm giác đặc như sữa.
Cũng là rượu gạo nhưng có lẽ cách thức chưng rượu đã tạo nên sự đặc biệt của hương vị rượu Makgeolli. Như chính tên gọi, rượu Makgeolli là rượu lọc sơ sài (không được chưng cất) với nồng độ rất nhẹ (khoảng 6-7%).
Nhiều thực khách lần đầu uống nhận xét “hương vị Makgeolli vừa phổ biến lại vừa đặc biệt, giống như kết hợp từ sữa với nước ngọt có gas; hương thơm nhẹ còn vị ngọt thanh, chua chua và rất mát”.
Sự đặc biệt ở hương vị có lẽ là lý do duy nhất để Makgeolli thu hút thực khách ở mọi lứa tuổi, giới tính và đến từ mọi vùng đất.
Theo D.Nguyên
Tuổi trẻ online