Theo các nhà nghiên cứu, ở cấp độ quốc gia, quá trình chuyển đổi số (CĐS) sẽ hình thành chính phủ số, kinh tế số và xã hội số - ba trụ cột của một quốc gia số. Đối với lĩnh vực đào tạo báo chí – truyền thông cũng vậy, quá trình chuyển số sẽ làm thay đổi căn bản quá trình đào tạo, thay đổi căn bản lĩnh vực báo chí - truyền thông, trở thành lĩnh vực có sự tiến bộ và phát triển vượt bậc trong quá trình đào tạo báo chí số và truyền thông số.
Để thực hiện được những mục tiêu về CĐS trong báo chí, trong quá trình hợp tác quốc tế về đào tạo báo chí – truyền thông đáp ứng yêu cầu CĐS hiện nay, theo ThS. Nguyễn Thu Hằng (Học viện An ninh nhân dân) cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Xây dựng đội ngũ đào tạo chất lượng cao
Thứ nhất, khẳng định chất lượng quá trình đào tạo báo chí – truyền thông ở Việt Nam thông qua đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ, quản lý, nhà khoa học về lĩnh vực báo chí – truyền thông được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
|
|
Hoạt động đào tạo báo chí do các Giảng viên Học viện Báo chí và Truyên truyền thực hiện. (Ảnh - AN) |
Đây là yêu cầu cũng là giải pháp đầu tiên mà mỗi quốc gia hướng đến thực hiện trong đào tạo các lĩnh vực khác nói chung, lĩnh vực báo chí - truyền thông nói riêng. Bởi, một ngành, một lĩnh vực có phát triển hay không, phát triển có mạnh, có chất lượng hay không phụ thuộc vào chất lượng nguồn lực của lĩnh vực đó. Trước hết là sự đa dạng trong đào tạo và các cơ sở đào tạo, thứ hai là chất lượng đội ngũ giảng viên có trình độ, chuyên môn cao, đủ năng lực làm người hướng dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực đó, thứ ba là đội ngũ cán bộ, quản lý, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực báo chí – truyền thông, có sự am hiểu, uyên thâm về báo chí - truyền thông cả truyền thống và hiện đại. Tất cả những yếu tố đó, sẽ tạo nền một nền báo chí – truyền thông phát triển của một quốc gia, từ đó sẽ tạo đà cho việc liên kết hợp tác đào tạo báo chí – truyền thông với quốc tế, làm cho báo chí – truyền thông của nước nhà có chỗ đứng với nền báo chí – truyền thông trong khu vực và trên thế giới. Sẵn sàng hợp tác quốc tế trong đào tạo báo chí – truyền thông đáp ứng yêu cầu của quá trình CĐS.
Thứ hai, đảm bảo quá trình đào tạo báo chí – truyền thông ở Việt Nam theo đúng lộ trình của quá trình chuyển đổi số, thậm chí đi trước các lĩnh vực khác.
Thứ ba, ứng dụng và cập nhật công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật hiện đại trong đào tạo báo chí – truyền thông.
Nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra của báo chí – truyền thông
Thứ tư, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông chất lượng cao, chất lượng sản phẩm đầu ra của báo chí số và truyền thông số.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, báo chí, truyền thông phát triển theo hướng hội tụ, đa phương tiện, nhà báo đa năng kỹ năng, đòi hỏi phải đổi mới nhanh chóng mô hình đào tạo có tính chuyên biệt hiện nay. Các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, tăng cường đầu tư công nghệ truyền thông hiện đại mới bảo đảm được chất lượng lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn báo chí, truyền thông hiện nay.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực tham gia trong lĩnh vực CĐS báo chí ở Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Nếu các cơ quan báo chí - truyền thông không sớm tiếp cận công nghệ, gia tăng các nguồn lực phát triển và xây dựng đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực này từng bước thích ứng với CĐS thì các loại hình truyền thông khác, nhất là truyền thông có tính tương đồng lớn, ảnh hưởng lớn - truyền thông trên Internet, mạng xã hội có thể sẽ chiếm ưu thế. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực nhằm thực hiện hiệu quả quá trình CĐS báo chí cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo chí, các cơ quan chủ quản, lãnh đạo các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đào tạo báo chí. Chú trọng đào tạo giảng viên tại các cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông có kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu về báo chí nhưng đồng thời cũng phải am hiểu, sử dụng các công nghệ đa phương tiện, công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động sản xuất báo chí. Cử giảng viên đi đào tạo các khóa học ngắn hạn, đài tại tại các nước có nền báo chí phát triển lâu đời và đã bước đầu thành công trong CĐS báo chí…
|
|
Google mở các chương trình bồi dưỡng, đào tạo ngắn cho phóng viên ứng dụng các kỹ năng số. (Ảnh - AN) |
Tăng liên kết, để trao đổi kinh nghiệm đào tạo ở khu vực và thế giới
Đáng chú ý, theo ThS. Nguyễn Thu Hằng giải pháp thứ năm cần tăng cường liên kết đào tạo nhân lực trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, đặc biệt đào tạo các lĩnh vực mới, lĩnh vực thế mạnh của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng đối với các cơ sở đào tạo hiện nay nói chung và cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông nói riêng. Các cơ sở đào tạo cần tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, chuẩn bị điều kiện để triển khai các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, các chương trình chất lượng cao, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tác nghiệp trong môi trường báo chí - truyền thông quốc tế đang biến đổi, hội nhập toàn cầu.
Thông qua trao đổi, liên kết, hợp tác quốc tế sẽ là cơ hội để học viên được trải nghiệm, học tập và trau dồi kiến thức đã học, tiếp thu kiến thức mới, nhất là tiếp cận với những loại hình báo chí đặc biệt hoặc các thế mạnh trong báo chí – truyền thông của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn về đào tạo báo chí – truyền thông gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, thời kỳ công nghệ 4.0 cho đội ngũ giảng viên, cán bộ làm về công tác báo chí - truyền thông tại các cơ sở đào tạo, các trung tâm, các cơ quan đơn vị báo chí - truyền thông.
Thứ bảy, thường xuyên cập nhật xu thế mới trong đào tạo báo chí – truyền thông trên thế giới gắn với sự phát triển và thực tiễn đào tạo báo chí truyền thông trong nước.
“Tóm lại, trong thời đại công nghệ 4.0, thời đại kỷ nguyên số với sự hội nhập và phát triển toàn diện, nếu không cập nhật, làm mới mình thì bất kỳ một lĩnh vực nào trong xã hội sẽ bị thụt lùi và chậm phát triển. Báo chí - truyền thông là một lĩnh vực cần có sự mới mẻ, nên việc tích cực hội nhập, tham gia mạnh mẽ trong thời đại kỷ nguyên số, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực của mình chắc chắn báo chí truyền thông sẽ có được những thành tựu đáng khích lệ. Việc tăng cường hợp tác quốc tế mang tính toàn diện trong đào tạo báo chí – truyền thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay là một xu thế tất yếu. Vì vậy, với những giải pháp trên, việc thực hiện có hệ thống và có chiến lược của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông... hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này cùng với xu hướng mới trong CĐS sẽ được tăng cường mạnh mẽ trong thời gian tới”, ThS. Nguyễn Thu Hằng nhấn mạnh./.