Lấy khu nội tự Chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm
Quyết định 775/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang. Công tác quy hoạch nhằm xác định ranh giới và các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị di tích, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới; phân khu chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất cho các khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó, tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Theo nội dung quy hoạch, phân khu chức năng, gồm: Khu vực bảo vệ di tích gốc có diện tích là 4,79 ha, được điều chỉnh, mở rộng phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích (gồm Khu vực bảo vệ di tích theo Hồ sơ xếp hạng với diện tích 2,05 ha và bổ sung phần diện tích hiện có của các hạng mục, công trình khác trong khu nội tự Chùa Vĩnh Nghiêm); khu vực phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch có diện tích là 30,09 ha (không bao gồm diện tích đất làng xóm, khu dân cư); khu vực làng xóm (thôn Long Khánh, xã Trí Yên), diện tích 5,12 ha.
Về quy hoạch các không gian, kiến trúc cảnh quan, sẽ quy hoạch các không gian chức năng thành một tổng thể di tích thống nhất giữa bên trong và bên ngoài khu nội tự (chùa chính - di tích gốc hiện tồn). Trong đó, lấy khu nội tự Chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm để bố cục và tổ chức các không gian kiến trúc cảnh quan bên ngoài di tích phù hợp với yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị các hạng mục kiến trúc gốc hiện hữu. Đồng thời, tái hiện lại một số không gian gắn với di tích, như: Chợ chùa, ruộng chùa, làng La cổ truyền.
Chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. (Ảnh internet)
Bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch
Đáng chú ý, việc quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tịch Chùa Vĩnh Nghiêm được gắn với định hướng phát triển du lịch. Theo đó, sẽ có các sản phẩm du lịch lịch sử - văn hoá tìm về nguồn cội, đó là sự liên kết giữa di tích Chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích nổi tiếng trong vùng như quần thể di tích đình, chùa Thổ Hà, di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế, đền Suối Mỡ và quần thể di tích Tây Yên Tử.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề sẽ có các hoạt động ngoài trời và nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch sinh thái Suối Mỡ, Đồng Cao, Khu du lịch Khe Rỗ, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng; các làng nghề truyền thống trong tỉnh Bắc Giang, như: Gốm và bánh đa làng Thổ Hà, rượu làng Vân, mây tre đan làng Tăng Tiến... của huyện Việt Yên; thưởng thức các món ăn đặc sản như bún Đa Mai, bánh đa Kế, bánh đa Thổ Hà, mỳ Chũ...
Ngoài ra, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn hát quan họ, trò chơi dân gian, tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương; tổ chức lễ hội và các sự kiện có chủ đề về lịch sử, văn hóa tại di tích Chùa Vĩnh Nghiêm.
Từ đó, sẽ hình thành các tuyến, chương trình tham quan du lịch. Cụ thể, tuyến du lịch văn hóa gắn với Phật Giáo Trúc Lâm, kết nối Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm, khu Lăng mộ và Thái miếu nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh), chùa Thanh Mai và khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (Hải Dương); tuyến du lịch nội vùng trong huyện Yên Dũng và các chương trình, tuyến du lịch trải nghiệm lịch sử kết hợp tham quan nghỉ dưỡng gắn kết Chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích của tỉnh Bắc Giang và các khu vực phụ cận.
Cùng với nội dung quy hoạch về phân khu, gắn với phát triển du lịch, còn có quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật đường giao thông; cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; điện chiếu sáng.
Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ tự, mức độ ưu tiên thực hiện đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phương.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Giang công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực quy hoạch di tích theo hồ sơ quy hoạch được duyệt; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm vào hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bắc Giang phù hợp với từng thời kỳ…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn các dự án thành phần thuộc quy hoạch đã được phê duyệt. Mặt khác, giám sát, kiểm tra tiến độ triển khai quy hoạch, dự án; bảo đảm đúng mục tiêu, nội dung và kế hoạch dược duyệt; tuân thủ theo trình tự, quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Phối hợp, hướng dẫn địa phương kết nối các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần phát huy hiệu quả giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm…/.
Hoàng Minh