Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Võ Văn Minh chúc Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh cùng các tăng ni, phật tử đón một mùa lễ Phật đản an vui, hạnh phúc. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những đóng góp tích cực của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, chức sắc, tăng ni, phật tử trong tỉnh đã chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, tốt đời - đẹp đạo, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, các tăng ni và phật tử trên địa bàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm, tham gia bầu cử đầy đủ, góp phần tích cực vào thành công của cuộc bầu cử.
Thay mặt Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, các tăng ni và phật tử trên địa bàn tỉnh, Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Trưởng Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của tổ chức Phật giáo, đặc biệt lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chúc mừng nhân Lễ Phật đản. Được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh, trong thời gian qua, GHPG Việt Nam tỉnh luôn chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là trong công tác từ thiện xã hội và mang lại những kết quả tốt đẹp.
Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban ngành, đoàn thể tỉnh gửi tặng lẵng hoa chúc mừng lễ Phật đản 2021, Phật lịch 2565 đến Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh (Ảnh:CTTĐT tỉnh Bình Dương)
Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, Phật giáo Bình Dương đã lựa chọn, giới thiệu một số đại biểu xứng đáng để ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh và các địa phương đã hướng dẫn, vận động các tăng ni và đồng bào phật tử tham gia đi bầu cử đầy đủ, góp phần vào thành công ngày hội của toàn dân.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong mùa Đại lễ Phật đản năm nay, Phật giáo Bình Dương không tổ chức các hoạt động với quy mô cấp tỉnh, cấp huyện. Các cơ sở tự viện, chư tăng ni, phật tử trong tỉnh đã được hướng dẫn thực hiện các nghi lễ chính ngắn gọn, ý nghĩa, không tập trung đông người và chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Một đôi nét về Lễ Phật đản tại Việt Nam
Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai hệ phái Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa) và Bắc Tông (Đại thừa).
Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Trong đại lễ, Phật tử không sát sinh, chỉ ăn chay, phóng sinh và làm các công việc thiện nguyện. Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.
Ngày Phật Đản còn là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch.
Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Nguồn gốc: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Chính vì thế, lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Ý nghĩa: Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Nghi thức thường làm: Ở Việt Nam, lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh, thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức...
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.
Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.
Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu chính là: Tắm Phật. "Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".
"Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản giáng sinh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người".
Đình Thuyết (TH)