Chủ thể quan trọng trong duy trì, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích

Chủ nhật, 23/05/2021 15:51
(ThanhtraVietNam) - Theo TS. Nguyễn Thanh Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trên góc độ di sản văn hóa, sư trụ trì là chủ sở hữu đối với các chùa do hệ phái xây dựng; hoặc một bên liên quan quan trọng đối với chùa do cộng đồng xây dựng. Bởi vậy, sư trụ trì là chủ thể quan trọng trong việc duy trì, gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích phục vụ vào sự nghiệp phát triển chung của xã hội trên nhiều mặt.

Nhiều giải pháp bảo vệ di tích, di sản

Theo thống kê, hiện nay tại các tỉnh phía Bắc có 157 ngôi chùa được Nhà nước công nhận di tích Quốc gia. Cả nước hiện có 95 di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó những ngôi chùa nổi tiếng như: chùa Hương, chùa Keo, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tây Phương, chùa Dâu, chùa Thầy, chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, chùa Đọi Sơn… Tại mỗi di tích này, được đồng quản lý bởi nhiều cơ quan đối tác khác nhau: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Sở VHTTDL ở cấp tỉnh; Ban quản lý di tích cấp huyện, Ban quản lý di tích cấp xã… Chính từ thực tiễn có nhiều cấp, nhiều đơn vị quản lý dẫn đến sự chồng chéo, hạn chế khi vận hành, và cũng không quy rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị nào. Dẫn đến, nhiệm vụ bảo vệ di vật, di sản trong chùa thường được “phó mặc” cho các Tăng ni ở chùa, trong đó sư trụ trì chịu trách nhiệm chính.

Ví như ở chùa Vĩnh Nghiêm nằm ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, hiện đang có 5 đơn vị trực tiếp quản lý: Sở VHTTDL Bắc Giang, Phòng Văn hóa thể thao huyện Yên Dũng, Ban Quản lý di tích huyện Yên Dũng, Ban Quản lý di tích xã Trí Yên, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm...

leftcenterrightdel
Nét cổ kính của Chùa Bổ Đà. Ảnh: Chu Khôi

Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm chia sẻ, nhà chùa phải tự triển khai các giải pháp bảo vệ chùa, chống trộm cắp cổ vật. Vai trò của sư trụ trì trong trường hợp này thể hiện trên hai phương diện chủ yếu là bảo đảm an ninh, phòng, chống cháy nổ, không để cổ vật, di vật bị mất tích, hỏa hoạn; bảo quản, tránh cho các di sản này bị xâm hại, xuống cấp. Cụ thể, các sư tăng trong chùa đã phối hợp cùng chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm kê, thống kê số hiện vật có trong cơ sở thờ tự do mình quản lý. Thứ hai, tăng ni triển khai các biện pháp cụ thể như gia cố, thay thế cửa vào, cửa sổ, ô thoáng… không đảm bảo an toàn. Thứ ba, cắt cử người làm nhiệm vụ bảo vệ di tích (nhất là ban đêm). Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo vệ di vật, cổ vật, nhà chùa đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát, hệ thống cảnh báo chuyển động; gắn chíp…). Thứ năm, nhà chùa tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giá trị di vật, cổ vật cho cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di tích nói chung, hệ thống di vật, cổ vật nói riêng; Thứ sáu, sư trụ trì tham gia các buổi tập huấn về phòng chống cháy nổ, bảo vệ di tích do chính quyền và các cơ quan chuyên môn tổ chức.

Chùa Bổ Đà ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc ở miền Bắc Việt Nam, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Tại chùa Bổ Đà, tất cả các hoạt động bảo tồn, gìn giữ cũng như phát huy các giá trị của di tích thuộc trách nhiệm của Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa xã Tiên Sơn và dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa xã Tiên Sơn gồm 1 Trưởng ban (do Phó Chủ tịch UBND xã đảm nhiệm), 1 Phó ban thường trực (do Công chức Văn hóa xã hội phụ trách) và 10 thành viên khác (gồm các thành phần là cán bộ công chức chuyên môn, trưởng các ngành đoàn thể, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận và trụ trì chùa Bổ Đà).

Trong thực tế, nhìn vào danh sách các thành viên Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa xã Tiên Sơn có thể thấy thành phần chủ yếu là những cán bộ công chức cấp xã kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ quản lý di tích; trình độ chuyên môn trong công tác quản lý, bảo tồn di tích chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thực tế, hoạt động bảo vệ di tích ở chùa Bồ Đà do sư trụ trì tự thực hiện, các thành viên khác, từ trưởng ban, phó ban quản lý di tích xã Tiên Sơn đều ít tham gia.

Ý thức được tầm quan trọng của các di vật, cổ vật trong chùa, Đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ hệ thống các di vật, cổ vật này. Từ năm 2005, Đại đức đã thuê một người chuyên hộ tự, đóng, mở cửa chùa đúng thời gian quy định nhằm bảo đảm an toàn cho ngôi chùa. Cùng với đó, nhà chùa tự đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động của ngôi chùa. Năm 2015, Đại đức Tự Tục Vinh cũng đã mời Ban Quản lý di tích tỉnh đến tiến hành kiểm kê, đánh số di vật, cổ vật tại chùa. Trong đợt thống kê này, di tích có 140 di vật, cổ vật, gồm các loại.

 

leftcenterrightdel
 Chùa Bổ Đà. Ảnh: Chu Khôi

Vai trò và nỗ lực của các Chư Tăng trong bảo tồn di tích

Thực tế cho thấy, phần lớn các sư được bổ nhiệm trụ trì tại các chùa được xếp di tích cấp quốc gia, nhất là đối với Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, đều là những người đã được đào tạo bậc đại học Phật giáo, có Chư tăng đã làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ, được đào tạo chuyên sâu về nhiều lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, Phật học. Đặc biệt, kiến trúc cổ, trùng tu di tích, bảo tồn di sản…  Nhiều Chư tăng đã ứng dụng những kiến thức khoa học cao cấp vào việc bảo tồn các di sản trong chùa của mình trụ trì.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) hiện còn bảo lưu 3.050 ván mộc bản kinh Phật, thể hiện các tư tưởng, triết lý của Phật giáo Trúc Lâm. Trong khi đó, mộc bản chùa Bổ Đà (Bắc Giang) còn gần 2.000 ván khắc, lưu giữ kinh của thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam. Từ việc ý thức rõ về vị trí và giá trị của hai ngôi chùa, các vị sư trụ trì ở đây, trải qua nhiều đời, đều thấu hiểu và giữ gìn toàn bộ khu chùa nói chung và di sản mộc bản nói riêng.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh tại chùa Vĩnh Nghiêm:  “Hiện nay, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được bảo quản hết sức chu đáo. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Đây là bộ mộc bản duy nhất có một số pho kinh, sách nhà Phật chưa từng qua sửa chữa hay tác động làm biến dạng, cho nên mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mang tính độc bản, không nơi nào có và nếu mất sẽ không thể thay thế được, vì hiện nay nghề khắc mộc bản chữ Hán, chữ Nôm coi như đã bị thất truyền”.

 Tại chùa Vĩnh Nghiêm, các vị trụ trì cho đóng những kệ có chân cột (4 chân đến 6, 8 chân cột tùy theo kệ to hay kệ nhỏ) kê trên các khối đá làm chân tảng tròn cao từ 25-45cm. Mặt khối đá có phần nổi để kê cột ở giữa, xung quanh khoét rãnh rộng, sâu chừng 3-5cm, đổ đầy dầu (dầu thực vật) để chống kiến, mối. Mộc bản được xếp lên kệ theo từng quyển, tập, bộ kinh sách. Kệ chứa mộc bản bao giờ cũng đặt cách tường/vách một khoảng cách tối thiểu là 25-30cm. Sàn kệ, vách kệ, giá kệ, cửa kệ… đều không dùng ván gỗ liền mà đóng các song gỗ lim vuông đặt ngang/chéo hoặc dựng đứng để bảo đảm thoáng khí, thoáng gió. Bên trong kệ, các ván in được sắp xếp theo kiểu dựng ngang (hơi nghiêng, để có khoảng cách giữa các ván, tránh sự tiếp xúc hai mặt chữ khắc với nhau). Mỗi lượt ván là một đợt riêng rẽ, không đặt mộc bản chồng lên nhau.

Trong khi đó, tại chùa Bổ Đà, Đại đức Tự Tục Vinh trụ trì chùa Bổ Đà cho hay, từ xưa đến nay, các sư tổ của chùa bảo quản mộc bản ở nhà tàng trữ kinh tạng. Kho chứa mộc bản chùa Bổ Đà chỉ gồm ba gian nhà, xây gạch, lợp ngói, cột lim. Mặt tiền không xây tường gạch mà là cửa chân quay, bức bàn bằng gỗ lim chắc chắn. Ngoài hiên lại có dải cũng bằng gỗ lim, che mưa nắng từ bên ngoài. Ngôi nhà này nền nhà cao, thoáng khí, thông gió, thoát ẩm, tận dụng được lợi thế của tự nhiên. Các tấm mộc bản trong kho được xếp trên 10 giá gỗ 3 tầng (có thể sử dụng cả tầng mặt trên thành bốn tầng), mỗi tầng xếp một dãy mộc bản, các tấm mộc bản xếp nghiêng, dựa vào nhau. Mộc bản được sắp đặt riêng từng bộ, từng tập, từng quyển theo thứ tự trên giá gỗ như kiểu giá sách đơn giản. Sắp đặt như vậy vừa tiện việc vệ sinh bảo quản, vừa tiện cho việc in ấn và cất giữ. Mỗi giá gỗ đều được kê trên các viên gạch dày, cách ly với nền, bảo vệ chân giá không bị ẩm. Môi trường trong kho lưu trữ mộc bản chùa Bổ Đà khá tốt, thông thoáng. Trong kho có đồng hồ đo nhiệt độ và độ ẩm.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh (chùa Vĩnh Nghiêm), nhà chùa tự bảo quản cất giữ kho mộc bản từ đời này sang đời kia. Mãi đến cách đây hơn chục năm, các nhà nghiên cứu văn hóa và các cơ quan chức năng mới nhìn thấy được giá trị của kho mộc bản, rồi làm hồ sơ và được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khi được công nhận di sản thế giới, các nhà khoa học của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang có nói rằng, sẽ thu hút tài chính và công nghệ tiên tiến vào bảo vệ khối di sản quý giá này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ mới nào được chuyển giao vào bảo quản mộc bản tại đây, mà việc bảo quản, bảo tồn vẫn dựa trên những kỹ thuật của các nhà sư tại chùa nghiên cứu và áp dụng qua nhiều đời.

 

Quỳnh An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra