Vĩnh Phúc:

Cử tri kỳ vọng văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số sẽ được giữ gìn

Thứ tư, 26/05/2021 08:00
(ThanhtraVietNam) - Háo hức chờ đón kết quả lựa chọn những đại biểu xứng đáng để giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; kịp thời đề xuất, tham mưu các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Tại thôn Bàn Long, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo những ngày tháng 5, tràn ngập không khí chào mừng ngày bầu cử rộn ràng, náo nức. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở liên tục tiếp sóng, phát đi những bản tin về Luật Bầu cử; vai trò, tầm quan trọng, những đóng góp tích cực của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ.

Thôn có 1.024 nhân khẩu, người dân tộc Sán Dìu chiếm hơn 73%. Thời gian này, cùng với thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như giám sát, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của 33 người thuộc diện F2 đang thực hiện cách ly tại nhà, thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quyền và nghĩa vụ của công dân, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thông tin về các ứng cử viên, nhất là các ứng cử viên đồng bào dân tộc thiểu số…

Đặc biệt, không chỉ gặp gỡ bà con trong các cuộc họp dân, lãnh đạo thôn còn đến tận nhà trao đổi thông tin tuyên truyền, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và vận động họ thực hiện tốt công tác bầu cử, sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng. Qua nắm bắt, 100% đảng viên, nhân dân của thôn đều đồng thuận về chủ trương, cách làm của xã trong các bước bầu cử.

leftcenterrightdel
 Cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số kỳ vọng, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số sẽ được giữ gìn. Ảnh minh họa

Ông  Trần Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: với đặc thù xã miền núi, địa bàn rộng, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Dìu, nhận thức của bà con về Luật Bầu cử còn nhiều hạn chế, bởi vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai công tác bầu cử, xã đặc biệt chú trọng tuyên truyền. Ngoài hình thức thông tin trực quan bằng pa nô, biểu ngữ, áp phích, tổ chức cấp phát tài liệu, tờ rơi, thông qua các tổ liên gia, hội đoàn thể, xã Minh Quang khai thác hiệu quả hệ thống loa truyền thanh. Với ưu điểm là nhanh chóng, kịp thời, tiếng loa truyền thanh giúp người dân có thể nghe thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi đang lao động sản xuất. Đến nay, cử tri nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cơ bản nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử.

Một xã khác với gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên công tác bầu cử cũng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của đồng bào. 

Là người có uy tín ở thôn Đại Quang, ông Lưu Văn Hữu cho hay: Thôn có hơn 1.400 nhân khẩu, trong đó có  trên 1.200 người dân tộc Sán Dìu. Phát huy vai trò là người có tiếng nói trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, ông luôn xác định phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được cấp trên giao phó cũng như sự tin tưởng, tín nhiệm của bà con. Đặc biệt, để bà con nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử, ông Hữu đã cùng cán bộ thôn tới từng hộ để tuyên truyền, vận động. Bà con cũng rất phấn khởi, háo hức bởi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước - ngày hội của toàn dân.

Dù đã trải qua nhiều kỳ bầu cử, nhưng thời gian này, ông Lưu Văn Vòng, thôn Đại Quang vẫn rất háo hức, chờ đón kết quả lựa chọn những đại biểu xứng đáng. Ông cho biết thêm, là một người dân tộc Sán Dìu, ông rất mong các vị đại biểu được bầu chọn sẽ giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, kịp thời đề xuất, tham mưu các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Sán Dìu nói riêng, để văn hóa truyền thống các dân tộc được lưu giữ và bảo tồn./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra