Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình

Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức

Thứ sáu, 28/05/2021 08:56
(ThanhtraVietNam) - Cùng với sự đóng góp tích cực của Ban Dân tộc, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) ở địa phương.

Ban Dân tộc đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc triển khai nhiệm vụ chính trị, lồng ghép trong việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển KTXH ở vùng đặc biệt khó khăn như Chương trình 135; chính sách hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh tặng giấy khen các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020. Ảnh: baohoabinh.com.vn
Đặc biệt, năm 2020, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Tư pháp tiếp tục triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Sở Tư pháp đã phối hợp biên soạn tài liệu, cử báo cáo viên tuyên truyền, PBGDPL cho nhóm nòng cốt thực hiện mô hình PBGDPL tại các xã huyện Tân Lạc, huyện Kim Bôi; tiếp tục phối hợp triển khai mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2021”. Ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020. Các nội dung quan trọng của kế hoạch này là: Duy trì hoạt động cho các mô hình điểm đã xây dựng năm 2019 tại xã Văn Nghĩa, xã Thượng Cốc huyện Lạc Sơn và xã Hang Kia, huyện Mai Châu; khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình điểm thực hiện Đề án tại 02 xã của huyện Tân Lạc và Kim Bôi; tổ chức hội nghị tập huấn và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, chính sách đối với nhóm nòng cốt tại các xã xây dựng mô hình điểm.

Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc phối hợp với UBND huyện Đà Bắc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 60 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đà Bắc; thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Có thể nói, bằng việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có chức năng của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã làm tốt công tác PBGDPL, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

PV

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra