Độc đáo Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao

Thứ tư, 05/05/2021 16:00
(ThanhtraVietNam) – Mới đây, người Dao ở huyện Hoàng Su Phì đã tái hiện lễ hội Bàn Vương tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động tại Làng góp phần hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam và dịp kỷ niệm 30/4, 01/5 của đất nước.

Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao (Hà Giang) bày tỏ lòng biết ơn Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ.

Lễ vật làm lễ cúng, gồm: Một con lợn, gà trống, bánh dày hoặc bánh gói lá chuối buộc từng cặp, gạo một túm bằng vải trắng (sài chiên), giấy bản theo cúng bình thường và bảy siên (chìn shún). Nhạc cụ cần thiết là tù và, chuông, hai mảnh tre làm phép âm dương, và một nan tre mỏng để các thầy mo cầm trong buổi lễ.

leftcenterrightdel
 Thầy mo đang làm lễ cúng. (Ảnh: VnExpress)

Tại buổi lễ, thầy mo nhắc lại câu chuyện, vào năm Dần mão, nạn hạn hán xảy ra, con cháu người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, cơ cực nên phải thiên di vượt biển tìm nơi sinh sống. Với sự che chở của Bàn cổ Đại Vương, 12 tộc họ người Dao vượt biển thành công, một số nhóm đã định cư ở phía bắc Việt Nam, trong đó có Hà Giang. Do đó, hàng năm họ tổ chức làm lễ trả ơn, trả nguyện Bàn Cổ Đại Vương.

Với quan niệm và cách thức tổ chức nghi lễ như trên, có thể nói, lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn. Nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội, tổ tiên linh thiêng, đầy sức mạnh bảo vệ cuộc sống. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản, tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra