Bám sát chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, có chuyển biến tích cực. Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt là các kết luận, văn bản chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương.... đã và đang được các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện tích cực, nghiêm túc.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai thực hiện kịp thời các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương; duy trì, tổ chức các phiên họp Ban Chỉ đạo, các cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh cơ bản đảm bảo theo quy định, hoạt động bám vào quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo có đề ra chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện, có khắc phục được những hạn chế, yếu kém được chỉ ra.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được tăng cường, góp phần ngăn ngừa và phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoàn thành 4/4 cuộc kiểm tra, giám sát; tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm một vụ việc, vụ án theo yêu cầu báo cáo tiến độ định kỳ của Trung ương, các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý.
    |
 |
Bắt cựu Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn Du Việt Thanh với hành vi nhận hối lộ (ảnh minh hoạ) |
Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh có mặt chặt chẽ và tốt hơn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện khá tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 67 tổ chức và 111 đảng viên; kết luận 50 tổ chức và 98 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Ngành thanh tra của tỉnh phát hiện sai phạm số tiền 28,497 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách 19,751 tỷ đồng, xử lý khác 9,078 tỷ đồng; xử lý hành chính 108 tập thể và 402 cá nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp khởi tố, điều tra mới 28 vụ, 37 bị can. Viện Kiểm sát thụ lý, truy tố chuyển tòa án 18 vụ, 33 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp xét xử 5 vụ, 12 bị cáo...
Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chú trọng các biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước; gắn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay việc phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, qua phản ánh chưa kịp thời, đầy đủ, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đạt thấp. Công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế; tình trạng lãng phí trong sử dụng đất, đầu tư công còn nhiều, việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý còn khó khăn, bị động. Nguyên nhân là do: Công tác phối hợp, nắm tình hình, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc giữa các cơ quan liên quan từng lúc chưa chặt chẽ, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị từng lúc thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, LP, TC... Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác PCTN của tỉnh có một số nội dung đạt điểm rất thấp như: Việc phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý vi phạm quy định về chế độ định mức tiêu chuẩn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; phát hiện hành vi tham nhũng qua phản ánh, tố cáo; xử lý kỷ luật đối với tổ chức do để xảy ra tham nhũng...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện tốt công tác PCTN, LP, TC trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác PCTN, LP, TC, các quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực; Luật Phòng, chống tham nhũng... trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, nhất là một số mặt công tác qua rà soát của Thanh tra Chính phủ đánh giá thấp; thực hiện tốt công tác tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân của Chủ tich Ủy ban nhân dân các cấp và của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, LP, TC. Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành việc làm tự giác tự nguyện... Tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, thực hành liêm chính, ý thức tự giác gương mẫu chấp hành quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định, pháp luật về PCTN, LP, TC trong thực thi công vụ.
Hai là, tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản ánh, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử. Xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tham nhũng, vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định; kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi tiền, tài sản tham nhũng ngay trong giai đoạn thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Ba là, tăng cường vai trò trách nhiệm giám sát, phản biện, phản ánh của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, cơ quan truyền thông và người dân trong giám sát các hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ sớm, từ xa.
Bốn là, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế qua tự đánh giá và kết quả rà soát, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của tỉnh; tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, LP, TC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Quan tâm chỉ đạo thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Năm là, củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ, công chức nội chính PCTN, LP, TC đảm bảo đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.