Theo báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành tháng 5 của Ủy ban Dân tộc, về tình hình vùng DTTS&MN, các địa phương đang thu hoạch cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Vải, cam, xoài, cà phê, hồ tiêu... Các tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, đang triển khai sản xuất vụ Hè Thu năm 2021. Khu vực miền núi phía Bắc đang chuẩn bị thu hoạch lúa Đông Xuân.
Nhờ cơ bản khống chế được dịch bệnh gia súc, gia cầm nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản... tiếp tục phát triến, giá cả ổn định. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa trên diện rộng, trong đó xảy ra mưa kèm lốc xoáy cục bộ ở 4 tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum gây thiệt hại sập đổ 45 nhà, làm 4 người chết.
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của đồng bào DTTS&MN tiếp tục phát triển, giá cả ổn định. (Ảnh: Bộ Y tế)
Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh thực hiện cách ly, giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong mùa thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là lao động đi làm thuê tại các thành phố lớn, trong đó có lao động là người DTTS.
Công tác thông tin, tuyên truyền trong vùng DTTS được các địa phương tập trung vào bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Một số hoạt động lễ, hội của đồng bào DTTS được hạn chế nhưng vẫn được tạo điều kiện tổ chức phù hợp với phong tục, tập quán, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Trong khi đó, về giáo dục, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học từ đầu tháng 5 hoặc kết thúc sớm năm học. Các tỉnh chưa có dịch bệnh đã hoàn thành kết thúc năm học theo kế hoạch và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng học sinh (THCS, THPT), đặc biêt là sinh viên bỏ học ở một số địa phương có chiều hướng tăng. Năm học 2020-2021, 8/9 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ có tổng số 1.841/215.954 học sinh DTTS các cấp bỏ học, chiếm trên 0,85% trong tổng số học sinh DTTS các cấp; sinh viên DTTS bỏ học của 03 tỉnh bình quân chiếm 11,14% so với tổng số sinh viên DTTS của địa phương (Sóc Trăng: 98/865 em, Bạc Liêu: 24/299 em, Hậu Giang: 12/39 em), nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống khó khăn. Vì vậy, các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, thu hút đầu tư nhằm tạo việc làm mới tại chỗ cho lao động của địa phương.
Về y tế, một số tỉnh trong vùng DTTS đang bị dịch Covid-19 được Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ kinh phí, lực lượng y, bác sỹ, phuơng tiện xét nghiệm, thuốc chữa bệnh như Điện Biên, Bắc Giang... Các tỉnh đều quán triệt và chỉ đạo tốt công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, các tỉnh biên giới đã tập trung toàn lực phòng chống dịch bệnh, nhất là ngăn chặn hành vi xuất, nhập cảnh trái phép trên toàn tuyên biên giới (cả trên bộ và khu vực biên, đảo). Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng trong vùng DTTS được tiếp tục quan tâm thực hiện; công tác tuyên truyền giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường vùng dân tộc được tăng cường.
(Ảnh: Bộ Y tế)
UBDT đánh giá, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng DTTS&MN cơ bản ổn định. Trong đó, các địa phương đã tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình, tranh thủ sự tham gia của người có uy tín vận động đồng bào chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc Bầu cử.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong đồng bào DTTS vẫn còn xảy ra. Một số nơi tình trạng mua bán, vận chuyển chất ma túy, chặt phá rừng, xuất, nhập cảnh trái pháp luật qua biên giới diễn biến phức tạp... một số vụ việc đã bị các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện thẻ căn cước công dân theo chủ trương chung, một số cán bộ hưu trí và người dân phản ánh đề nghị Nhà nước xem xét, ghi tên đúng của dân tộc Khmer. Hiện tại, khi công dân đến làm thủ tục cấp căn cước thì tại mục thành phần dân tộc được mặc định sẵn trong phần mềm với tên dân tộc “Khơ Me”, cách viết này chưa phù hợp với tên của dân tộc Khmer.
Trong tháng 6/2021, UBDT sẽ hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia; triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực I, II và III vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù và Quyết định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN…/.
Hoàng Minh