Tại tỉnh Lai Châu, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể nơi đây đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm của Đảng về phát huy bản sắc văn hóa; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín và nâng cao vai trò của mỗi người dân trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nghiên cứu đánh giá thực trạng văn hóa của từng dân tộc và đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy; lồng ghép hiệu quả với phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,6%, Lai Châu được xem là một kho tàng văn hóa của dân tộc. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt người Thái, Lự; nghề làm bánh của dân tộc Giáy; nghề thuốc của người Dao. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ vay vốn để người dân mở rộng đầu tư sản xuất và phát triển nghề truyền thống; kết hợp việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng thông qua hoạt động trình diễn, giới thiệu và bán các sản phẩm lưu niệm tại các điểm du lịch, nhà văn hóa các xã, bản. Góp phần tạo thu nhập, giải quyết việc làm và bảo tồn nghề truyền thống đang dần bị mai một.
Tại xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, là xã có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hoá của người dân địa phương được chính quyền xã quan tâm thực hiện. Mỗi dân tộc trong xã có một nét đặc trưng riêng và được thể hiện trong sinh hoạt, tiếng nói, qua trang phục, lễ hội, nghề truyền thống... Chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động các thế hệ đi trước truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nhiều nét đẹp trong văn hoá như phục dựng và dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, cách đan lát, thêu thùa, dệt vải.
Lai Châu: Tôn vinh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc. Ảnh: Hoàng Đông
Có thể thấy, thời gian qua, để người dân quan tâm và tích cực tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa, chính quyền các cấp đã đặc biệt coi trọng xây dựng đời sống ấm no cho Nhân dân, nhất là các dân tộc ít người tại vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai thực hiện 3 đề án: "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao"; "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc ít người giai đoạn 2016 - 2025" và "Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020" nhằm hỗ trợ người dân.
Qua đó, giúp người dân tin tưởng và đồng lòng cùng địa phương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác lưu giữ, truyền bá những nét đặc sắc, phong phú trong văn hóa lễ hội, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng nhiều lễ hội, nghi lễ, tục lệ tiêu biểu; nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống và phát triển các tiết mục mới dựa trên bản sắc dân gian sẵn có, để bảo tồn và làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật của từng dân tộc. Hỗ trợ thành lập 1.102 đội văn nghệ quần chúng; hàng năm tổ chức các lớp dạy tiếng, chữ viết dân tộc Mông, Thái cho cán bộ, công chức.
Kết quả, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Thái, Mông, Si La, Hà Nhì, Mảng...; tổ chức 1 lớp truyền dạy chữ Nôm dân tộc Dao tại huyện Sìn Hồ; duy trì tổ chức thường niên 40 lễ hội; sưu tầm, bảo tồn 6 làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Si La, Mông, Hà Nhì...; tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp...
Thông qua đó, các địa phương, đơn vị chuyên môn lựa chọn nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm trong các chương trình, sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần tôn vinh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc; giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp Nhân dân; quảng bá các đặc trưng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.
Với những việc làm thiết thực của các cấp các ngành, nhất là sự đồng thuận và chung tay của Nhân dân các dân tộc tại địa phương, chính điều này đã và đang góp phần lớn vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, xây dựng một Lai Châu đậm đà bản sắc văn hóa./.
Lan Anh