Kinh nghiệm trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS tại Vĩnh Phúc

Thứ tư, 23/06/2021 10:00
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những kết quả đạt được 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đông bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2011 - 2020 tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Việc nhìn nhận thẳng thắn đối với những mặt còn chứa làm được này đã đúc rút được bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt chính sách đối với người uy tín trong giai đoạn tiếp theo.

Một số tồn tại, hạn chế

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chính sách  đối với người có uy tín trong đông bào DTTS giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác này tại địa phương.

Thứ nhất, công tác vận động, tranh thủ người có uy tín tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có địa phương còn bất cập; phương pháp vận động, tranh thủ đôi khi còn cứng nhắc, mới chỉ căn cứ quy định của pháp luật mà còn xem nhẹ các hương ước, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS.

Thứ hai, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, phát huy vai trò của người có uy tín có nơi chưa được quan tâm đầy đủ. Việc cung cấp thông tin cho người có uy tín của chính quyền cấp huyện, xã còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục...; sự phối họp của các cơ quan, ban ngành trong việc tổ chức thực hiện một số chính sách, chế độ đối với người có uy tín chưa đồng bộ...

Thứ ba, một số văn bản, chế độ chính sách chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện như công tác quản lý Nhà nước đối với người có uy tín, trách nhiệm của cấp xã, thôn; chế độ thông tin báo cáo, bố trí kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín đối với cấp xã.

...Và những bài học kinh nghiệm 

Cũng tại báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, từ thực tiễn tại địa phương đã để lại một số bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Trước hết đó là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc tích cực và có trách nhiệm của chính quyền địa phương và đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, xác định đây là lực lượng tiêu biểu nòng cốt luôn được đồng bào DTTS nghe theo.

 

leftcenterrightdel
Đoàn Đại biểu người có uy tín tỉnh Vĩnh Phúc tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Cường 

Tiếp đó, trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có uy tín cần thường xuyên gặp gỡ trao đổi, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người có uy tín để phát huy, tranh thủ tối đa khả năng, năng lực và uy tín của họ. Công tác vận động phát huy vai trò người có uy tín phải được tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

Đồng thời, cần xác định rõ nội dung, phương pháp vận động đối với từng cá nhân để phát huy năng lực sở trường của người có uy tín trong công tác vận động quần chúng; cần phát huy được vai trò, vị trí ảnh hưởng của người uy tín trong từng vùng, từng dân tộc, từng dòng họ để có phương pháp tranh thủ, sử dụng phù hợp.

Ngoài ra, các cấp, ngành nói chung, đặc biệt cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cần nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng, cần xác định người có uy tín là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, cần quan tâm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín, kịp thời khen thưởng, biểu dương, động viên những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm khích lệ người có uy tín cống hiến, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.

Cũng theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín giai đoạn 2021 - 2025, cần tiếp tục thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho người có uy tín bằng mức lương tối thiểu hiện hành. Bổ sung chính sách về bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho người có uy tín hàng năm.

Về cơ chế quản lý, thực hiện chính sách đối với người có uy tín, tỉnh đề nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan, giữa Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh, Ban Dân tộc trong vận động phát huy vai trò của người có uy tín.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ quy định chế độ phối hợp giữa các cơ quan ở địa phương: Công an, Ban Dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận,... trong việc quản lý, vận động, tranh thủ người có uy tín, tránh chồng chéo, trùng lặp. Cần có quy chế khuyến khích phát huy vai trò người có uy tín trong thời kỳ mới để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cùng với  đó, Ủy ban Dân tộc cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế, chế độ đặc thù cho cán bộ làm công tác tranh thủ người có uy tín các cấp; tạo điều kiện về kinh phí, phương tiện, kỹ thuật làm việc cho cán bộ làm công tác tranh thủ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, có hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ người có uy tín để có tiêu chí đánh giá, phân loại, xét thi đua khen thưởng đối với người có uy tín./.

Trang Dương


 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra