Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW tại Hòa Bình:

Nhận thức về công tác dân tộc, tôn giáo được nâng lên và đạt nhiều kết quả quan trọng

Thứ ba, 25/05/2021 11:06
(ThanhtraVietNam) – Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU và 05 năm thực hiện Kết luận số 104-KL/TU, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về công tác dân tộc, tôn giáo được nâng lên và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hệ thống chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả

Một số kết quả nổi bật được chỉ ra là: (1) Sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo được thể hiện rõ nét, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Hòa Bình. (2) Hệ thống chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. (3) Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo được nâng lên làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích cực, từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, vùng đồng bào tôn giáo tại Hòa Bình. (4) Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. (5) Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những kết quả nói trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc và tôn giáo.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Vai trò quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Cụ thể: Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Cán bộ, đảng viên, chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tôn giáo nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động đồng bào dân tộc, tín đồ các tôn giáo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Luôn cảnh giác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tà đạo, mê tín dị đoan, lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số, vùng có đạo được các cấp ủy, chính quyền quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và hiệu quả hoạt động thông qua việc ban hành các chính sách thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của địa phương; triển khai thực hiện tốt Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới,... Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý người dân tộc thiểu số thực hiện nghiêm túc đúng tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW và các quy định liên quan; các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, thành phố, các ban, sở, ngành chiếm tỷ lệ 70% là người dân tộc thiểu số. Quan tâm thực hiện công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý và phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người có đạo các cấp được đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; triển khai thực hiện các đề án về phát triển kinh tế; lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất; an sinh xã hội, phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân; nâng cao chất lượng thông tin truyên truyền. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động quần chúng, nhất là quần chúng người dân tộc thiểu số, người có đạo. Chỉ đạo, hướng dẫn, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./. 

K. Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra