Nhiều chính sách tương xứng dành cho người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại Vĩnh Phúc

Thứ ba, 22/06/2021 14:55
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh Vĩnh Phúc xác định người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc, do đó địa phương này đã có những chính sách tương xứng đối với người có uy tín tại địa phương.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2011 đến 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 843 lượt người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số qua các năm, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm nhiều thành phần khác nhau như nguyên là cán bộ trí thức đã nghỉ hưu, là thầy cúng, thầy mo, già làng, trưởng thôn...

Tại đây, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc. Người có uy tín có đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn, bản thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh, của địa phương.

Đồng thời, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong hoạt động giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình; xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục truyền thống; vận động nhân dân trong thôn, bản không theo các tà đạo, đạo lạ hoạt động trái phép trên địa bàn…

leftcenterrightdel
 Tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen cho người có uy tín tại địa phương. Ảnh minh hoạ: Internet

Với vị trí, vai trò quan trọng trong chính sách dân tộc như vậy, nên trong giai đọan 2011 - 2020 tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có những chính sách tương xứng đối với người có uy tín tại địa phương.

Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bố trí tổng kinh phí 6.516,1 triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo quy định, cụ thể:

Trong công tác thăm hỏi, động viên người có uy tín, hàng năm, UBND tỉnh giao các cơ quan gồm Công an tỉnh, Ban Dân tộc phối hợp với UBMTTQ tỉnh, UBND các huyện, thị xã tổ chức thăm hỏi và tặng quà động viên cho người có uy tín trên địa bàn. Vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ, ngày tết: ngày Quốc khánh, Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số (Tết Thanh minh, Tết Đông chí), Ủy ban Mặt trân Việt Nam tỉnh và Công an tỉnh đã tiến hành tiếp xúc, tranh thủ tặng quà cho hàng trăm lượt người có uy tín.

Việc gặp mặt, phổ biến, cung cấp thông tin cho người có uy tín cũng được địa phương này quan tâm, thông qua các hội nghị cung cấp thông tin hàng năm, những người có uy tín thường xuyên được cập nhật các tin tức, thông tin mới nhất mang tính thời sự, nhằm nâng cao hiểu biết, tích luỹ kiến thức, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận dụng vào thực tiễn tại địa phương và trong cuộc sống để tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã tổ chức 07 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 515 lượt người có uy tín về các nội dung như: công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật; công tác vận động, giải quyết hoà giải các tranh chấp, mẫu thuẫn trong đời sống hàng ngày ở cơ sở; các nội dung về triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay…

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức các đoàn người có uy tín của tỉnh đi tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm thực tế trong và ngoài tỉnh, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực tế về các mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng; mô hình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiêu số của các tỉnh; các mô hình trồng cây ãn quả trên đất đồi rừng; công tác vận động, tuyên truyền, phát huy vai trò của người có uy tín ở các đơn vị bạn; công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội...

Ngoài ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban Dân tộc, Báo Vĩnh Phúc thực hiện việc cấp Báo Vĩnh Phúc không thu tiền cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh từ tháng 9/2012 đến nay. Việc cấp báo được thực hiện kịp thời đến tay người có uy tín, đảm bảo đủ về số lượng. Từ năm 2020 tỉnh đã thực hiện cấp miễn phí Báo Vĩnh Phúc cho 100% người có uy tín trên địa bàn tỉnh với số lượng 05 tờ/tuần/người; phối hợp với Ủy ban Dân tộc cấp miễn phí Báo Dân tộc và Phát triển với số lượng 02 tờ/tuần/người.

Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, thông qua việc miễn phí chuyên trang “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Nhân dân, số lượng 02 kỳ/tuần và chuyên đề “Đoàn kết và Phát triển” của Báo Tạp chí Cộng sản, số lượng 02 kỳ/tháng và nhiều loại chuyên trang, chuyên mục của các Báo, tạp chí khác,... đã góp phần trang bị thông tin, kiến thức cho người có uy tín, để người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tặng Bằng khen cho 21 cá nhân là người có uy tín đã có thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động tại địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Dân tộc đều tổ chức tổng kết, biểu dương khen thưởng người có uy tín có nhiều thành tích trong công tác, từ 2017 đến nay, đã có 67 lượt người có uy tín được Trưởng Ban Dân tộc tặng Giấy khen./.

Trang Dương

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra