Nhà sàn đá của người Tày ở Cao Bằng. Ảnh: A.T
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 03 tôn giáo đang hoạt động đó là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với khoảng 27.000 người theo các tôn giáo.
Tình hình hoạt động của các tôn giáo cơ bản ổn định, các chức sắc, tín đồ, người theo các tôn giáo tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước; hoạt động tôn giáo về cơ bản diễn ra thuần túy, tuân thủ các quy định của pháp luật; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào theo đạo ổn định.
Sau gần 18 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa IX) ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo và triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ công tác tôn giáo trong nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng.
Rõ nét nhất là nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở các cấp về tôn giáo và công tác tôn giáo đã có những chuyển biến căn bản. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Công tác vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo được đẩy mạnh, gắn kết đồng bào tín đồ các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được coi trọng, thể hiện ở việc thể chế hóa chủ trương của Đảng qua hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo ngày càng hoàn thiện, có tác động tích cực trong việc bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cũng như quản lý các hoạt động tôn giáo theo pháp luật cho cả cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân liên quan. Hoạt động tôn giáo của chức sắc, tín đồ được bảo đảm, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo được các cấp, các ngành hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng theo trình tự quy định của pháp luật. Các tôn giáo đều có sự phát triển về tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự được xây dựng mới, tu bổ khang trang, các lớp đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, các lễ hội tôn giáo… được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi. Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, an tâm tu hành, tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần đấu tranh có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.
Xác định nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tôn giáo. Quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào. Đẩy mạnh công tác vận động chức sắc, tín đồ tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”; tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo….Nhiều mô hình vận động quần chúng tôn giáo hiệu quả, phát huy vai trò của chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo….
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại tôn giáo được đẩy mạnh. Các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài vào tìm hiểu và tham dự các hoạt động tôn giáo tại địa phương, có dịp tiếp cận với thực tế tình hình tôn giáo ở các vùng, miền để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn tình hình và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động lợi dụng tôn giáo của một số lực lượng thiếu thiện chí hòng cản trở công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Công tác đấu tranh chống âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực xấu nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ tiếp tục được tăng cường, đổi mới; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác phối hợp giữa các cơ quan dân vận, quản lý nhà nước, lực lượng an ninh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) được tăng cường ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn có những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến tôn giáo chưa được thường xuyên; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị ở cơ sở có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Công các quản lý nhà nước về tôn giáo hiện vẫn còn những bất cập, nhất là ở cơ sở; việc nắm tình hình hoạt động tôn giáo ở các cấp, các ngành tại địa phương chưa được thường xuyên, kịp thời. Việc vận động, tập hợp quần chúng tôn giáo tham gia vào Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể CT-XH, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cốt cán, phát triển đảng viên là người có đạo ở nhiều nơi còn hạn chế, lúng túng trong triển khai thực hiện... Phần lớn nguyên nhân là do tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập; cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu; nhiều cán bộ chưa có kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề tôn giáo, chưa có kiến thức nhất định về tôn giáo, còn hạn chế trong tiếp xúc, đối thoại với các chức sắc tôn giáo và chưa nói được tiếng địa phương.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Chủ động, tích cực gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại và giữ mối liên hệ với các chức sắc, giáo sỹ tôn giáo để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho các tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo và giữa các tôn giáo.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chú trọng vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình phát triển của địa phương. Lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo gắn với việc xây dựng, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng đồng bào có đạo.
Phong cảnh Cao Bằng. Ảnh: A.T
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo; tăng cường cán bộ làm công tác tôn giáo, quan tâm bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo ở vùng có đông đồng bào theo đạo, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác tôn giáo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật; bảo đảm kinh phí hoạt động và chế độ chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ làm công tác tôn giáo.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể CT-XH tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động phù hợp với đặc điểm, tình hình vùng đồng bào có tôn giáo và quần chúng có tôn giáo khác nhau để phát huy nguồn lực trong các tôn giáo đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”; thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo. Tăng cường tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên là người có đạo tham gia vào các tổ chức đoàn thể, không để những tín đồ hiện đang theo tôn giáo (nhất là đạo Tin lành) đứng ngoài tổ chức; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, biểu dương những chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tiêu biểu chấp hành tốt chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương./.
Đỗ Quyên