Lâm Đồng:

Phát huy vai trò Người uy tín trong phòng, chống ma túy vùng đồng bào DTTS

Thứ hai, 07/06/2021 17:30
(ThanhtraVietNam) - Phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là tội phạm về ma túy. Đây là cách làm hiệu quả gắn với công tác tuyên truyền, vận động mà Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021.

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phòng, chống ma túy

Theo kết quả công tác phòng, chống ma túy 6 tháng đầu năm của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, lực lượng làm công tác dân tộc xác định việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về tác hại của ma túy, có ý thức phòng chống ma tuý, trong cộng đồng dân cư, giữ vững địa bàn thôn bản, xã không có người nghiện và tội phạm liên quan đến ma tuý.

Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy, lồng ghép tuyên truyền, vận động thông qua các chương trình, đề án tuyên truyền pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện xã; Trưởng các thôn, bản. Nội dung tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn để người dân nâng cao cảnh giác; các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, các quy định chủ yếu liên quan trực tiếp tới đời sống của đồng bào.

leftcenterrightdel
 Đường mòn, lối mở là nơi dễ xảy ra nguy cơ phát sinh các hoạt động liên quan đến ma túy. Ảnh minh họa: T.A

Hình thức thực hiện là kết hợp lồng ghép với các Hội nghị và các chuyến công tác tại cơ sở để tuyên truyền, phổ biến; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ban Dân tộc các quy định của pháp luật, chính sách liên quan công tác dân tộc. Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật Phòng, chống ma túy; các chuyên đề liên quan đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách có liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Đồng thời, nhận diện và nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm trong vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là tội phạm ma túy, mua bán người.

Cùng với đó, hoạt động phối hợp với UBND các huyện, thành phố cũng được đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người gắn với việc thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm Ban Dân tộc đã tổ chức 2 hội nghị thông tin tuyên truyền về dân tộc thiểu số, in 600 sổ tay tuyên truyền nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người có uy tín trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm vùng đồng bào DTTS, nhất là tội phạm về ma túy.

Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đánh giá, đa số đồng bào đã nhận
thức được tác hại và hậu quả của ma tuý đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Cơ chế chính sách và pháp luật như Luật Hình sự, Luật Phòng chống ma
tuý… đã có tác dụng giáo dục, giác ngộ và răn đe.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào DTTS ngày càng được tăng cường, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong hành động, thông qua đó, người dân nhất là đồng bào DTTS đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giác đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng trong quá trình thực hiện pháp luật, góp phần giữ gìn ổn định trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào gặp khó khăn. Việc nắm, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình còn chưa sâu rộng, kịp thời. Trong khi đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền còn cho đây là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật, của lực lượng công an...

Đẩy nhanh các chương trình, dự án phát triển KTXH vùng DTTS

Do vậy, trong 6 tháng cuối năm 2021, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống ma túy. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các ngành chức năng trong công tác phòng, chống ma túy.

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế xã hội, mà trực tiếp là chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng bào các dân tộc nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, sức khỏe, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc./.

Tràng An

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra