Lai Châu:

Phát triển du lịch cộng đồng để bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS tại Tô Y Phìn

Thứ tư, 26/05/2021 17:09
(ThanhtraVietNam) - Đó là cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự đoàn kết, năng động và sáng tạo trong cách làm, khai thác tốt những tiềm năng tự nhiên, văn hóa xã hội, loại hình du lịch cộng đồng Tô Y Phìn đã và đang tạo sức hút kỳ lạ níu chân du khách gần xa, góp phần cải thiện cuộc sống đồng bào nơi đây.

Từ thành phố Lai Châu, qua chặng đường dài hơn 10km đẹp như một dải lụa vắt ngang các sườn núi sẽ đến bản du lịch cộng đồng Tô Y Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ. Tại đây, trước không gian trong lành và mát lạnh thì chiếc cổng chào được bà con khéo léo tạo vòm, xếp chữ bằng những thanh tre nứa có sẵn trong tự nhiên. Ấn tượng nhất vẫn là con đường dẫn về các khu trải nghiệm được bà con lựa chọn những chậu địa lan đẹp nhất xếp ở 2 bên như đón chào du khách ghé thăm bản.

Ông Trịnh Khắc Tấn, Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho biết, bản Tô Y phìn có 72 hộ, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm; cùng với nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông nơi đây vẫn còn nguyên vẹn, bản Tô Y Phìn đã và đang trở thành điểm đến ấn tượng cho nhiều du khách.

Bản du lịch cộng đồng Tô Y Phìn nằm nép mình bên dãy núi hùng vỹ, du khách trong hành trình khám phá nơi đây thì nơi đầu tiên khám phá là khu tiên cảnh với khoảng 1 ha đã được dân bản tôn tạo và làm đường lên tận đỉnh đồi. Nơi đây có hàng ngàn chậu địa lan được bày trí ở các lối đi. Cùng với đó là những chiếc xích đu, nhà chòi, ghế chờ và các điểm chụp ảnh… để du khách nghỉ chân, lưu giữ hình ảnh đẹp.

Đến Tô Y Phìn sẽ được đắm mình trong không gian thiên nhiên thơ mộng, trong lành, yên bình mà còn cảm nhận được sự hồn hậu, chất phác, mến khách và có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống, nghề thủ công của đồng bào dân tộc Mông. Tận mắt ngắm nhìn những đôi bàn tay khéo léo của những cô gái Mông xinh đẹp dệt nên nhiều sản phẩm thổ cẩm rực rỡ với vô vàn những hoa văn độc đáo.

leftcenterrightdel
Phát triển du lịch cộng đồng để bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, một cách làm sáng  tạo tại Tô Y Phìn. Ảnh: Phương Lan

Ấn tượng hơn là được nghe tiếng khèn réo rắt gọi bạn, điệu múa Mông mời gọi, những làn điệu dân ca cổ thiết tha trữ tình. Trong bản cũng có 1 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập để phục vụ khách du lịch. Những diễn viên không chuyên không chỉ biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân tộc mà còn đảm nhiệm luôn nhiệm vụ đầu bếp, chế biến các món ăn đặc sắc của dân tộc Mông.

Cũng theo ông Trịnh Khắc Tấn, một điểm đến khác khi du khách ghé thăm bản Tô Y Phìn, là điểm trải nghiệm, tìm hiểu sự tích 99 ngọn núi và 99 hồ nước cạn. Truyền thuyết nơi đây kể lại, mỗi một ngọn núi biểu tượng cho một con phượng hoàng và mỗi một hồ nước cạn biểu tượng cho một con rồng thiêng để chấn giữ mảnh đất xinh đẹp này. Ngày nay, dãy núi trùng điệp của Tô Y Phìn vẫn còn đủ 99 ngọn núi với độ cao trung bình 1.400m so với mực nước biển.

Đến đỉnh núi 99, dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của người dân bản địa, du khách có thể khám phá sự kỳ thú của thiên nhiên, ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, được săn mây và chiêm ngưỡng nhiều loại hoa rừng đẹp ngút ngàn... Phát huy lợi thế về khí hậu, bà con bản Tô Y Phìn đã trồng gần 8.000 chậu địa lan, vừa để trưng bày vừa để bán cho du khách.

Tại Tô Y Phìn, đó là sự tĩnh lặng, thư thái, bớt lo toan để sống chậm hơn, cảm nhận cuộc sống ý nghĩa hơn. Một du khách chia sẻ, khi ghé thăm bản, cũng không nghĩ phong cảnh nơi đây lại đẹp đến vậy. Trò chuyện với bà con, họ cảm nhận được sự thật thà, chất phát, cảm giác thân thương chợt ùa về, đồng thời tranh thủ khám phá khu tiên cảnh, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây, thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều bí ẩn, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm của bà con.

Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho biết thêm, với điều kiện thuận lợi giáp thành phố Lai Châu, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Hạ tầng khu du lịch đã cơ bản hoàn thành và có điểm nhấn. Để tiềm năng du lịch nơi đây có bước phát triển, thời gian tới xã này sẽ quan tâm hỗ trợ người dân với nhiều hình thức như: mở các lớp tập huấn, giúp bà con vay vốn ưu đãi, cử cán bộ văn hóa xuống địa bàn hướng dẫn người dân làm du lịch…

Có thể thấy, với cách làm của chính quyền và bà con DTTS nơi đây, đã tạo nên một Tô Y Phìn khác trước, thấy được sự sáng tạo cũng như cần cù chịu khó của đồng bào, vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống, vừa tham gia phát  triển du lịch tại chỗ, tạo công ăn việc làm. Hy vọng rằng trong thời gian tới với cách làm này, người dân nơi đây sẽ làm du lịch chuyên nghiệp hơn và nâng cao chất lượng lưu trú để giữ chân du khách, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cũng như giúp đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn có điều kiện tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đem lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương./.

Trang Dương

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra