Theo đó, UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; các tố chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Quy định cũng phân cấp quản lý di tích rõ ràng, các di tích đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiếm kê được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, di tích thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý toàn diện của UBND tỉnh và sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện; sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các quy định của pháp luật có liên quan. UBND cấp huyện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tại địa phương. UBND cấp xã quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cấp tỉnh tại địa phương.
Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Đối với các di tích nằm trên địa bàn 02 huyện, 02 xã trở lên thì theo địa giới hành chính, diện tích khoanh vùng bảo vệ của di tích thuộc huyện, xã nào thì huyện, xã đó có trách nhiệm quản lý, bảo vệ phần di tích trực thuộc theo phân cấp và theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan.
Về trách nhiệm của Ban Quản lý di tích, UBND tỉnh cũng quy định rõ, Ban Quản lý di tích có trách nhiệm xây dựng nội quy, quy chế hoạt động trình cấp có thẩm quyền quyết định. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định ban hành nội quy, quy chế hoạt động của các di tích được giao phân cấp quản lý trên cơ sở ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích đã được xếp hạng quốc gia hoặc di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt; Chủ tịch UBND cấp xã ban hành nội quy, quy chế hoạt động của các di tích được giao phân cấp quản lý trên cơ sở ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; kiểm tra và định kỳ báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về hiện trạng di tích. Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm đến di tích, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của di tích, cảnh quan môi trường của di tích và báo cáo UBND cấp huyện, UBND tỉnh theo quy định.
Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ và theo phân cấp, chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra những vi phạm pháp luật tại di tích: Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, sơn thếp tượng, đồ thờ, di dời, thay đổi vị trí, bổ sung đồ thờ, hiện vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; các hành vi xâm lấn đất đai, xây dựng, khai thác làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan môi trường di tích và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan.
Tổ chức quản lý nguồn thu hợp pháp tại di tích bằng tiền, bằng hiện vật và định kỳ báo cáo UBND cấp quản lý. Hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, nội quy di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực di tích; thực hiện bảo vệ tài sản, hiện vật, phòng chống cháy nổ và các hoạt động liên quan đến di tích; triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, trộm cắp... nhằm đảm bảo an ninh, an toàn di tích, hiện vật.
Tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cấp quản lý trực tiếp. Chịu trách nhiệm đề xuất với cấp quản lý trực tiếp thành lập các Tổ quản lý di tích để trông coi từng di tích hoặc điểm di tích trên địa bàn.
H.T