Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cơ quan làm công tác dân tộc. Định kỳ hàng năm hoặc giai đoạn Ban Dân tộc luôn tham mưu cho Tỉnh Ủy, UBND tỉnh ban hành các các Đề án, Chương trình, Kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, hàng năm tỉnh cũng giành một phần kinh phí đầu tư cho công tác PBGDPL giúp cho hiệu quả tuyên truyền pháp luật được nâng cao, nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, luôn cập nhật kịp thời các văn bản luật mới để tuyên truyền. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới, phong phú và đa dạng bám sát vào thực tế cuộc sống, phục vụ kịp thời việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.
Thông qua công tác tuyên truyền PBGDPL các cán bộ, công chức, và các tầng lớp nhân dân đã hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình từ đó hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, qua công tác này nhận thức của người dân nông thôn và đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao, tạo điều kiện để nhân dân trong vùng khó khăn của tỉnh được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, về chấp hành pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, góp phần tích cực vào giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng dân tộc và miền núi.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa tập trung đầu tư thời gian và trí tuệ nhiều cho công tác PBGDPL. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này ở cơ sở vật chất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, hiệu quả công tác PBGDPL chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu lực pháp luật trong đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Vĩnh Phúc: Tăng cường hoạt động động tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa/Internet
Cũng theo đơn vị này, một khó khăn nữa là hình thức PBGDPL có nội dung còn đơn điệu, không hấp dẫn, thu hút người nghe; hình thức chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật. Những hình thức giáo dục pháp luật khác như hòa giải ở cơ sở, câu lạc bộ, hội thi thu hút được đông đảo người tham gia, nhưng ít có điều kiện tổ chức do kinh phí còn hạn chế .
Không chỉ vậy, tủ sách pháp luật đặt tại UBND các xã, thị trấn hoặc nhà văn hóa thôn hiện khai thác chưa hiệu quả. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bênh Covid - 19 nên công tác tuyên truyền PBGDPL có thời điểm bị gián đoạn không tổ chức được thường xuyên.
Trong thời gian tới, để thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dan tộc sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và hướng tới tuyên truyền, vận động với nội dung phù hợp và kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền khác như: phát hành tài liệu tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân và hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở...
Ngoài ra, kịp thời cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói riêng; tập huấn, bồi dưỡng và tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở tại các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí cho đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia các lớp tuyên truyền, PBGDPL./.
Trang Dương