Mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, từng bước nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào DTTS rất ít người.
Đồng thời, thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh nói chung và ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững bền vững vùng đồng bào DTTS và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Bình yêu cầu, các nội dung của hoạt động trong Kế hoạch cần cụ thể, khả thi, bám sát các quy định pháp luật, nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 16/3/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình và phù hợp với tình hình thực tế địa phương triển khai thực hiện.
Lồng ghép, kết hợp các hoạt động thực hiện Đề án với các chương trình, Đề án khác có liên quan đảm bảo không chồng chéo, tiết kiệm và hiệu quả. - Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phân công cụ thể.
Phụ nữ dân tộc được làm chủ thực hiện các mô hình vay vốn chăn nuôi thể hiện sự bình đẳng với nam giới. Ảnh:botrach.quangbinh.gov.vn
Phạm vi của kế hoạch sẽ thực hiện tại vùng đồng bào DTTS của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Tập trung vào hộ gia đình đồng bào các DTTS, đặc biệt là hộ gia đình DTTS rất ít người, già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung. Học sinh, giáo viên các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, sẽ có một mô hình điểm tại xã Hóa Sơn - Tổ chức Hội thi tuyên truyền tìm hiểu pháp luật về Bình đẳng giới được xây dựng và thực hiện. Trong thời gian quý III, quý IV năm 2021 sẽ thực hiện tuyên truyền đảm bảo bình đẳng giới trong từng hộ gia đình, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới) giữa các Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” trên địa bàn xã Hóa Sơn. Cùng với đó là xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới do các Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới” xã Hóa Sơn.
Trong năm 2021, các hoạt động tuyên truyền khác sẽ được triển khai như: Cấp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới cho các hộ gia đình, học sinh các trường, lớp bán trú, cán bộ văn hóa-xã hội, tư pháp; Thực hiện rà soát đánh giá và tổng kết đánh giá kết quả triển khai mô hình điểm Đề án 1898 xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa.
Tiếp đó, việc phối hợp với các chương trình, chính sách và đề án có liên quan để tuyên truyền, phố biến pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực trong các trường học tại các trường, lớp bán trú, dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh (Phối hợp với Đề án 498, Đề án 1163….) sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại các cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các tổ, đội, nhóm. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền pháp luật Bình đẳng giới vào một số nội dung tại Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” bằng hình thức sân khấu hóa giữa các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các nội dung pháp luật về bình đẳng giới vào chương trình tập huấn theo Đề án 1163 “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”.
Nhiều hoạt động cũng được chuẩn bị như xây dựng Pa nô tuyên truyền Bình đẳng giới tại địa bàn các xã, thôn, bản có đông đồng bào DTTS rất ít người sinh sống, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Tiến hành xây dựng pa nô tuyên truyền tại địa bàn có nguy cơ xảy ra bất bình đẳng giới cao, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế, vùng có đông đồng bào DTTS rất ít người sinh sống trên địa bàn bản Mò o - Ồ ồ xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Đồng thời, biên soạn thu âm tài liệu tuyên truyền và phát trên hệ thống loa phát thanh của các xã, tiến hành biên soạn nội dung, thu âm và phát cho 09 xã có đông đồng bào DTTS rất ít người sinh sống...
Việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án trên sẽ được kiểm tra, giám sát tại vùng dân tộc thiểu số tại các địa phương cũng như tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2021./.
Trần Hùng