Lào Cai:

Sớm ban hành nghị quyết về chiến lược công tác dân tộc, tập trung phát triển vùng miền núi và DTTS

Thứ hai, 17/05/2021 22:57
(ThanhtraVietNam) - Đó là vấn đề đặt ra cho tỉnh Lào Cai, một địa phương với 25 dân tộc anh em cùng chung sống, các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 66,2% dân số, góp phần từng bước phát triển kinh tế - xã hội từng bước bền vững.

Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, các DTTS chiếm trên 66,2% dân số. Từ một địa phương nghèo, đời sống nhân dân lạc hậu, sau 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Có được những kết quả đó chính là sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em, cùng với các chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi.

Với đặc thù của một tỉnh nghèo vùng cao biên giới, tỷ lệ đồng bào DTTS như trên, công tác dân tộc luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng, vấn đề đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa quyết định tới mọi thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã nêu cao tinh thần yêu nước, xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Trước đây, khi mới tái lập tỉnh năm 1991, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh hết sức thấp kém, thu ngân sách trên địa bàn đạt 36 tỷ đồng; Lào Cai là một trong 6 tỉnh nghèo nhất trên cả nước. Đặc biệt, sau 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai có nhiều thay đổi tích cực; trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc; thu ngân sách năm 2020 đạt 9.500 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 8%... Đạt được những thành tựu quan trọng đó, có sự đóng góp tích cực của cơ quan công tác dân tộc của tỉnh.

Tại tỉnh Lào Cai, cùng với việc triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách đối với Người có uy tín cũng đặc biệt được quan tâm như: Ban hành văn bản quy định việc thực hiện chính sách với Người có uy tín; tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho Người có uy tín; đặt và cấp phát Báo Lào Cai, Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín; tổ chức các đoàn Người uy tín thăm quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; 100% Người có uy tín được hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần khi ốm đau, hoạn nạn...

 

leftcenterrightdel
Lào Cai: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tập trung phát triển vùng miền núi và vùng DTTS. Ảnh - Internet

Từ đó, Lào Cai đã xây dựng được đội ngũ đông đảo Người có uy tín trong đồng bào DTTS với 1.130 người. Bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, đội ngũ Người có uy tín đã gương mẫu thực hiện, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đảng đã ban hành nhiều chính sách dân tộc, như: chính sách về phát triển kinh tế vùng DTTS; chính sách xã hội; chính sách liên quan đến quốc phòng, an ninh; chăm lo, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, trong đó có chính sách đối với Người có uy tín.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị, thời gian tới tỉnh Lào Cai cần tập trung thực hiện một số nội dung như: Tỉnh ủy Lào Cai cần sớm ban hành nghị quyết về chiến lược công tác dân tộc của tỉnh. Triển khai hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng bộ, Chính quyền.

Đồng thời, tăng cường việc tuyên truyền, vận động, quán triệt nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, bài trừ các hủ tục lạc hậu… Vận dụng sáng tạo và có hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Trung ương và của tỉnh để tập trung phát triển vùng miền núi và vùng DTTS./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra