PV: Thưa ông, với vai trò, vị trí Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, ông có thể chia sẻ về nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Phật đản - Vesak?
Ông Phạm Tiến Dũng: Đại lễ Phật đản - Vesak là Nghi thức thiêng liêng của hàng triệu Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trên thế giới. Đại lễ Phật đản - Vesak càng ý nghĩa hơn khi vào những ngày tháng 5 lịch sử này, Liên hợp quốc tổ chức Vesak nhằm phát đi thông điệp về bất bạo động và phụng sự tha nhân càng trở nên thích ứng hơn bao giờ hết khi mà nhân loại đang ở trong thời điểm gia tăng sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng hiện nay. Ngay khi cả nhân loại đang chịu thảm họa của đại dịch Covid-19, thế giới thực hiện giãn cách xã hội, Liên hợp quốc đã tổ chức kính mừng Đại lễ Vesak bằng hình thức trực tuyến kết nối nhiều quốc gia trong tinh thần một mùa Vesak đối với tất cả chúng ta, dù là Phật tử hay không là Phật tử, cùng nhau suy ngẫm về cuộc đời Đức Phật nhằm tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy minh triết của Ngài để thế giới luôn luôn bình đẳng và phát triển bền vững.
Về nguồn gốc, ngày Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ấn Độ cổ đại, nay là Nepal cách đây 2645 năm về trước. Đó là thời khắc trăng tròn tỏ rạng, Đức Phật đản sinh là một sự kiện hy hữu của toàn nhân loại. Ngài là bậc Đạo sư Giác ngộ tỏa ánh sáng năng lượng xóa tan màn vô minh của xã hội phân hóa giai cấp, giàu nghèo và bất công mà căn nguyên bởi tại lòng tham, sân, si của con người. Chỉ có Đức Phật đã vượt qua ý thức về bản ngã. Do vậy, Ngài là “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Đó là Đấng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác”, ngày Phật đản được ra đời từ đó.
Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường An
PV: Năm nay, tại Việt Nam, sự kiện này được tổ chức như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Năm nay, vào ngày 26/5, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh PL.2565 - DL.2021 trong niềm hoan hỷ vô biên với nhiều sự kiện trọng đại, như kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2021), đặc biệt là ngày hội bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, để kính mừng ngày Đản sinh của Đức Từ Phụ năm nay, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, các Ban, Viện trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tích cực trong công tác Phật sự ích đạo lợi đời, là năm bản lề nỗ lực hoàn thành chương trình Phật sự của Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào năm 2022. Cùng với đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước đang chỉ đạo việc tổ chức thành công Đại hội Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong Đạo phật, để kính mừng ngày Đức Phật đản sinh, tất cả người con Phật trên hành tinh này đã cùng nhau thực hiện lý tưởng và lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập Giới Định Tuệ thông qua con đường Bát Chánh đạo, luôn tôn trọng sự sống và môi trường sống của muôn loài, khuyến khích mối liên hệ tương giao, hòa bình giữa con người với con người, giữa con người với các loài cộng sinh, chung sống hòa hợp trên nền tảng Từ, Bi, Hỷ, Xả đem lại đời sống hỷ lạc không khổ đau. Như trong Đại kinh Khổ uẩn thuộc Trung bộ kinh, Đức Phật có nhắc nhở các vị Tỳ kheo: “...Này các Tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên sanh ra tranh đoạt... Một khi đã tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt đi đến công phá nhau, ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong...”.
Trong diễn biến phức tạp của dịch covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở tự viện tổ chức Đại lễ Phật đản trực tuyến, không tập trung đông người, khuyến khích thực hiện nghi lễ tắm Phật trực tuyến tại cơ sở thờ tự và tắm Phật tại tư gia; kêu gọi Tăng ni, Phật tử chung tay đóng góp tài lực trên tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội theo lời kêu gọi của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Trưởng ban Tôn giáo thành phố Phạm Tiến Dũng đến thăm, chúc mừng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Trường An
Trong tuần lễ Phật đản, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mạng xã hội Phật giáo Butta cũng đã phát động chương trình "Tắm Phật online" từ ngày 19/5 đến hết 24h ngày 26/5/2021 (tức 15/4 âm lịch) nhằm quyên góp xây dựng Quỹ phòng chống dịch covid 19 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
PV: Thành phố Hà Nội đã có những hoạt động gì nhân dịp lễ Phật đản năm nay?
Ông Phạm Tiến Dũng: Mùa Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp; Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân cả nước cùng cộng đồng Tăng Ni, tín đồ Phật giáo đang chung tay phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, dịch, đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch thành công, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân, vừa ổn định tình hình an ninh - trật tư, tập trung khôi phục và phát triển kinh tế.
Tuy vậy, lãnh đạo UBND thành phố cũng rất quan tâm đến sự kiện Đại lễ Phật đản 2021 - Phật lịch 2565. Theo đó, đã ủy quyền cho Trưởng ban Tôn giáo thành phố đến thăm, chúc mừng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tại chùa Bà Đá, quận Hoàn Kiếm.
Tại các buổi thăm và chúc mừng này, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Tôn giáo thành phố đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể chư vị giáo phẩm, tăng, ni, Phật tử Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội nói riêng lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đón một mùa Phật đản an vui, thắm tình đạo vị và luôn đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV: Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội như thế nào?
Ông Phạm Tiến Dũng: Ghi nhận quan tâm của UBND thành phố, thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cảm ơn lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quan tâm, chúc mừng, đồng thời Hoà thượng cho biết, Đại lễ Phật đản 2021 - Phật lịch 2565 của đồng bào Phật giáo diễn ra trong niềm vui lớn của nhân dân cả nước trước thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các tăng, ni, Phật tử cả nước đang hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Phạm Tiến Dũng đến thăm, chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tại chùa Bà Đá, quận Hoàn Kiếm nhân Đại lễ Phật đản 2021 - Phật lịch 2565. Ảnh: Trường An
Hòa thượng khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, phật tử sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và phát triển. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương cũng như thành phố Hà Nội để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân cũng như các Phật tử.
Đồng thời, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội luôn chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền của thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tích cực đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội trong các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thời gian qua.
PV: Ông có lời chúc nào dành cho Tăng Ni, tín đồ Phật giáo và ông hy vọng gì vào dịp lễ Phật đản năm nay?
Ông Phạm Tiến Dũng: Với tất cả ý nghĩa thiêng liêng của ngày Phật đản, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội mong muôn tất cả người con Phật cần phải tinh giác, chánh niệm trong mọi hoàn cành, nỗ lực tu tập, trau dồi giới hạnh vượt lên trên sự cám dỗ của thế giới vật chất, hóa giải nghiệp chướng như lời phật dạy; phải thật sự thể hiện là một sứ giả hòa bình, cùng nhau chung sống hòa hợp trên nền tảng giới luật, thực hiện một đời sống đạo đức vị tha, để cùng nhau kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc tại chốn nhân gian này; bên cạnh đó, Ban Tôn giáo thành phố cũng mong các cấp Giáo hội, các địa phương nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều hoạt động Phật sự sáng tạo, thiết thực chào mừng kỳ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tích cực hưởng ứng kết quả tốt đẹp của ngày hội toàn dân bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công rực rỡ. Mong muốn Tăng Ni, tín đồ Phật giáo thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.
Nhân dịp này, kính chúc Tăng Ni, tín đồ Phật giáo một mùa Phật đản vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các Phật sự cũng như thế sự trong hào quang gia hộ của chư Phật. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh!
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trang Dương