Cụ thể, cùng với hơn 100 chính sách của Trung ương dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Thái Nguyên đã có các Chương trình, Đề án, dự án chuyên đề như Chương trình “Phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020”; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản ĐBKK có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh (Đề án 2037); Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, trắng điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn... được ban hành và tổ chức thực hiện đã góp phần quan trọng làm thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
Nổi bật như, năm 2017, Thái Nguyên có 12 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (tương ứng với 25%) đến hết năm 2020 Thái Nguyên hoàn thành thêm 20 -21 xã; giai đoạn 2021-2025 Thái Nguyên chỉ còn 15- 16 xã đặc biệt khó khăn;Cùng với đó Thái Nguyên có 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc; Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và Miền núi giảm nhanh: Từ 19,22% năm 2016 giảm xuống còn 6,17% vào cuối năm 2019, giảm bình quân trên 3,2%/năm; trong đó các xã hưởng CT135 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm, trong 4 năm giảm 20,01% hộ nghèo.
Thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp; Đến hết năm 2019 có 74/113 xã (bằng 65,4%) vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn Nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn Nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh cao gấp ba lần bình quân chung của vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc (toàn quốc đạt 22,29%). Có 9 xã bặc biệt khó khăn đạt chuẩn Nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2016-2020 Thái Nguyên xóa 76/76 xóm bản thiếu điện, “trắng điện” lưới quốc gia; xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn; có 03 Nhà giáo Nhân dân người dân tộc thiểu số (cả nước có 04 Nhà giáo Nhân dân người dân tộc thiểu số); đến nay có 8,03% số học sinh dân tộc thiểu số được học các trường nội trú.
Kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã đạt được các chỉ tiêu rất ấn tượng, đó là 13,73% cấp ủy tỉnh, 13,33% ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XX); 28,57% Đại biểu Quốc hội; 22,2% đại biểu Hội đồng nhân dân ... con số này vượt xa mức chỉ tiêu đề ra đối với tỉnh có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số dưới 30%.
Trong những năm thực hiện Chiến lược, hơn 6.500 tỷ đồng đã được đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và Miền núi; cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đạt kết quả rất quan trọng; cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hàng trăm công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... phục vụ đồng bào.
Đi đôi với phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo; sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; sự nghiệp văn hóa thông tin, truyền thông;tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các dịch vụ công, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa, nâng cao nhận thức, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu.
Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt quan tâm quy hoạch và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển Đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở.
Công tác củng cố thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng dân tộc thiểu số vững mạnh. Cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết; phát huy nội lực, đóng góp xứng đáng, sức người, sức của phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
H.T