Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như các chính sách về văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật...
Thông qua các chương trình, chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã đạt được một số kết quả quan trọng như: kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, theo chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm tăng, an ninh lương thực được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được gìn giữ.
Vĩnh Phúc: Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với các vùng khác của tỉnh. Ảnh - Intenet
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh này có 6/9 đơn vị hành chính có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 40 thành phần dân tộc thiểu số, tương ứng 55.383 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, trong đó các dân tộc: Sán Dìu, Dao, Cao Lan, sống thành thôn, bản, cộng đồng, các dân tộc thiểu số khác chiếm tỷ lệ ít và sống đan xen, rải rác tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Để tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, tại Đề án 01/ĐA-BDT của mình, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung vào các giải pháp:
Đối với các dự án thuộc Chương trình 134, chỉ đạo kiểm tra, theo dõi công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau đầu tư tại các địa bàn được thụ hưởng; chỉ đạo công tác phối hợp thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng công trình đối với cơ sở. Bàn giao một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu với UBND tỉnh xây Đồ án và báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết lãnh đạo và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS và miền núi so với các vùng khác của tỉnh./.
Lan Anh