Tiếp tục quan tâm đến chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ tư, 09/06/2021 08:30
(ThanhtraVietNam) – Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), đã lãnh đạo, chỉ đạo thông qua các chủ trương, đường lối, văn bản, chính sách. Là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc (UBDT) sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá nhằm kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Chính sách đối với đồng bào DTTS&MN ngày càng được quan tâm, hoàn thiện

Mới đây, UBDT đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Phú Thọ trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, cử tri có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách đối với DTTS, vùng DTTS&MN trong các luật, văn bản dưới luật các chương trình mục tiêu, đề án... Qua đó, bãi bỏ những chính sách lỗi thời, không còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các chính sách có hiệu quả nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các chính sách dân tộc, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN.

Về vấn đề này, UBDT cho biết, trên cơ sở quy định của Hiến pháp, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, đầy đủ, bao phủ khá toàn diện trên các lĩnh vực và phù hợp hơn với thực tế, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế, dân số; văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, bảo đảm quốc phòng và an ninh ở vùng đồng bào DTTS&MN. Việc thực hiện các chính sách dân tộc đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, những chính sách này nằm ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều chủ thể ban hành nên còn có những quy định không đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo về nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, địa bàn thực hiện. Hơn nữa, chính sách dân tộc thường ban hành theo giai đoạn nên phải thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản pháp luật cho thống nhất, đồng bộ và phù hợp.

leftcenterrightdel
 Các chính sách đối với đồng bào DTTS&MN cần tiếp tục được quan tâm nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. (Ảnh minh họa, nguồn: Phòng PV&BT)

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14), trong đó xác định quan điểm: “rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số…”; “tích hợp chính sách đồng bộ, thông nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc...”.

Theo đó, Nghị quyết số 88/2019/QH14 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ: “Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án”.

Trên cơ sở đó, ngày 15/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, giao UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc.

Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cũng như giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp Quốc hội, UBDT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số. UBDT đã có Báo cáo số 1533/BC-UBDT báo cáo kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Cụ thể, tổng số văn bản pháp luật có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc được rà soát là 324 văn bản. Qua rà soát tổng thể cho thấy còn 10 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; 19 văn bản có nội dung không phù hợp với thực tiễn; 19 chính sách chưa được ghi nhận hoặc được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật; kiến nghị tiếp tục thực hiện 48 chính sách và 27 chính sách được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2030.

Trong thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN; sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới thay thế các văn bản pháp luật, chính sách dân tộc có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống chính sách./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra