Trong những năm qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân luôn tuân thủ nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tại địa phương sinh hoạt tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo vào chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, việc cấp phép xây dựng, trùng tu, sửa chữa các công trình tôn giáo được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 58 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa. (Năm 2020, huyện hỗ trợ kinh phí sửa chữa, tu bổ cho 07 di tích được xếp hạng với số tiền dự kiến trên 3,5 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa dự kiến trên 60 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 21 di tích xếp hạng cấp thành phố. Các di tích đều treo bảng nội quy, quy tắc tại nơi dễ thấy, dễ nhìn để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tích cực chủ động xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích lịch sử, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, năm 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình và đang giải quyết vụ việc phát sinh đến phản ánh của Ni sư Thích Giác Minh, trụ trì chùa Văn Điển, xã Tứ Hiệp liên quan đến đất nhà chùa.
Sang năm 2021, tình hình tôn giáo trên địa bàn huyện tương đối ổn định, không xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, UBND huyện đã chỉ đạo Văn phòng HĐND-UBND huyện, UBND các xã, thị trấn công khai thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết theo Quyết định số 3831/QĐ-UBND ngày 30/7/2018 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
Có thể nói, trong năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác tôn giáo trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Tổ chức chương trình thăm, tặng quà 07 Giáo xứ, Giáo họ nhân dịp Noel năm 2020 và 20 chùa trên địa bàn huyện nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Mặt khác, kịp thời biểu dương, khen thưởng 32 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tôn giáo năm 2020 với tổng số tiền trên 34 triệu đồng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham dự một số lễ hội, hoạt động tín ngưỡng cùng với nhân dân dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ trọng của tôn giáo... Nhìn chung, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn huyện tổ chức đón Tết và tổ chức các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh những mặt làm được, huyện Thanh Trì cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế, trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần được quan tâm hơn, cán bộ làm công tác tôn giáo đều kiêm nhiệm, hầu hết không được đào tạo cơ bản về tôn giáo nên việc tham mưu, xử lý các vụ việc trong tôn giáo còn lúng túng.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các phòng, ban chức năng trong công tác tôn giáo có lúc, có việc chưa chặt chẽ, giải quyết thiếu kiên quyết nên có vụ việc còn kéo dài gây phức tạp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương; một số quy định trong thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo còn chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho cán bộ, công chức tiếp nhận cũng như giải quyết các thủ tục hành chính...
Qua đây, UBND huyện Thanh Trì kiến nghị, đề xuất Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu cho người làm công tác tôn giáo ở cơ sở./.
Trang Dương