Với tổng số hộ dân tộc Mông ở Thái Nguyên có 1.521 hộ với 7.792 khẩu; cư trú tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa và Đồng Hỷ; trong đó vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống thành cộng đồng dân cư có 26 xóm (2.189 hộ, 10.067 nhân khẩu), đều là xóm đặc biệt khó khăn. Địa bàn cư trú, sinh sống của đồng bào dân tộc Mông chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình phức tạp, chia cắt thành từng vùng riêng biệt, đi lại khó khăn, đất dốc, dễ bị rửa trôi, xói mòn, bạc màu, một số nơi thuộc vùng chiến lược về chính trị, an ninh quốc phòng.
Những năm qua, mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp uỷ, chính quyền địa phương nhưng do địa bàn cư trú, trình độ dân trí, năng lực sản xuất của đồng bào Mông vẫn còn thấp hơn so với các dân tộc khác do đó đời sống còn gặp nhiều khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng so với bình quân chung toàn tỉnh vẫn còn rất cao. Tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như: hoạt động và ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, hoạt động tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, vấn đề truyền đạo Tin Lành…
Đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đồng bào về đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong công tác dân tộc, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền toàn tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục sát thực, chủ động, kịp thời và có hiệu quả như: Tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hội thi, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc hằng năm cho cán bộ làm công tác dân tộc đặc biệt là đội ngũ bí thư, trưởng xóm, người có uy tín, trưởng ban công tác mặt trận xóm tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị, lớp tập huấn...
Đặc biệt, Đài PTTH tỉnh xây dựng chương trình phát sóng tiếng Mông được duy trì đều đặn 3 số/tuần…thu hút đông đảo đồng bào nghe, xem. Tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền pháp luật cho gần 2.000 tín đồ Tin Lành người Mông; 05 hội nghị tuyên truyền, vận động quần chúng xoá bỏ tà đạo Dương Văn Mình cho 500 hộ người Mông tham dự tại các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương.
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Mông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với đồng bào; giúp đồng bào nâng cao kiến thức để phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước đồng thời củng cố và tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đoàn kết dân tộc, chống âm mưu diễn biến hoà bình và những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Mông và việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên” đã khẳng định được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, các đơn vị doanh nghiệp và các cá nhân đối với các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đề án đã đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo và cận nghèo tại 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững. Không còn xóm có tỷ lệ hộ nghèo 100%.
Việc triển khai thực các chính dân tộc và Đề án đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, việc lồng ghép các nguồn vốn được các sở ngành, UBND các huyện thực hiện. Các nội dung hỗ trợ của Đề án phù hợp với nguyện vọng và được đa số người dân vùng hưởng lợi nhiệt tình ủng hộ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, trách nhiệm cao của các sở ban ngành của tỉnh, UBND các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa với những kết quả đã đạt được đến nay cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu của Đề án đề ra.
Các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai lồng ghép các nội dung hỗ trợ thuộc Đề án và các chương trình, dự án của ngành để hoàn thành các mục tiêu của đề án. Đến nay về cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường học, nhà văn hóa, hệ thống thông tin tại 26 xóm bản có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được hoàn thiện góp phần nâng cao nhận thức, giao lưu buôn bán, tiếp cận khoa học kỹ thuật của đồng bào... tạo động lực chính trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
H.T