Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm góp phần ổn định trật tự vùng DTTS&MN

Thứ sáu, 11/06/2021 13:50
(ThanhtraVietNam) – Trong hơn một năm qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chỉ đạo các Vụ, đơn vị chuyên môn quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các Kết luận của Trung ương về công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật nói chung, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Qua đó, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, xử lý, tránh tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhiều chương trình, đề án, dự án về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Ngày 09/6/2021, UBDT đã có báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù không ban hành kế hoạch riêng để triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, nhưng UBDT đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chị thị đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua các hội nghị giao ban, hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBDT. Tiêu biểu là một số đề án, như: “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN giai đoạn 2017-2021”; “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn”; Kế hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm.

Năm 2020, UBDT đã tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS. Trong đó, có lồng ghép tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chủ trương, chính sách dân tộc về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng tại vùng đồng bào DTTS&MN.

leftcenterrightdel
 Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân các vùng biên giới đã nâng cao ý thức về công tác phòng, chống tội phạm, cùng tham gia tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. (Ảnh minh họa, internet)

Người dân biết sử dụng pháp luật, tránh bị lợi dụng, lừa đảo do thiếu hiểu biết      

Kết quả, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, người dân biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm; hạn chế tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo do thiếu hiểu biết.      

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Chỉ thị số 21/CT-TTg, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong Nhân dân về các chính sách này để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật

Đáng chú ý, UBDT phân công bộ phận tiếp công dân của cơ quan tiếp nhận, phân loại, xử lý kịp thời đơn thư của công dân liên quan đến tội phạm nói chung, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nói riêng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật, kịp thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở của chính sách, pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, nhất là các thủ tục hành chính về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các thủ tục đầu tư tại vùng đồng bào DTTS&MN, thủ tục trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức...

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, UBDT đánh giá, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc và an sinh xã hội, pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN chưa được chú trọng đúng mức, thường xuyên, liên tục; chưa nhân rộng được hình thức có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của Nhân dân, nhất là phổ biến, giáo dục pháp luật cho người DTTS bằng ngôn ngữ của họ còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí của đồng bào DTTS không đồng đều; bất đồng về ngôn ngữ…

Do đó, UBDT đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS&MN và khu vực biên giới; kịp thời thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra