Vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng quan trọng

Thứ ba, 08/06/2021 15:00
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh Nghệ An xác định, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò làm cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đến nhân dân trong vùng.

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm, tạo mọi điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò của mình trong công tác vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được đội ngũ Người có uy tín đồng thuận, đánh giá và ghi nhận. Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến nhân dân trong vùng, đặc biệt là tuyên truyền các hộ đồng bào thụ hưởng các chính sách dân tộc.

Trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nói chung và các huyện, thị xã vùng DTTS và miền núi nói riêng, họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS, nhân dân vùng miền núi; là hạt nhân quan trọng góp phần trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Bản thân Người có uy tín là những người gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi có những thay đổi căn bản. Đến năm 2020, vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có 121/252 xã; 570 thôn, bản và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

leftcenterrightdel
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đến nhân dân trong vùng. Ảnh: Minh Thứ

Đặc biệt, trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều Người có uy tín trong đồng bào DTTS là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện phát triển - kinh tế xã hội, khắc phục khó khăn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Người có uy tín là tấm gương sáng trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại như mô hình trồng cam cho giá trị và năng suất cao tiêu biểu như ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông…; mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở các huyện Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu...

Người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp nhân dân nhận thức và hiểu được âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, vận động nhân dân tham gia phát hiện các loại tội phạm góp phần bảo đảm tình hình quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Tỉnh Nghệ An cho biết, từ năm 2018 đến nay, thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Nghệ An đã ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ, tăng cường vai trò của Người có uy tín trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tỉnh đã rà soát và ban hành Quyết định phê duyệt danh sách Người có uy tín và bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện chính sách  đảm bảo đúng quy định.

Tính tới thời điểm hiện nay, số Người uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 13.504 lượt người, bao gồm 10 thành phần dân tộc, tộc người: Thái, Khơ mú; Mông, Thổ, Ơ đu, Nùng, Kinh, Hoa, tộc người Đan Lai, Tày Pọong. Để tổ chức triển khai thực hiện  chính sách cho người uy tín đạt kết quả, ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, địa phương thực hiện tốt các chế độ, chính sách.

Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2011 - 2021, Nghệ An đã huy động tổng kinh phí thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS là hơn 39,911 tỷ đồng. Ngoài ra, vào những dịp Tết Nguyên đán và Tết các dân tộc thiểu số, các cấp chính quyền, địa phương đã tổ chức thăm hỏi tặng quà cho 16.092 lượt người; thăm hỏi ốm đau đến 698 lượt người; tổ chức thăm viếng 88 Người uy tín, thân nhân người uy tín qua đời; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 107 gia đình người uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn.

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ người có uy tín đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng; quản lý và phát huy tốt vai trò của Người có uy tín; tạo điều kiện cho Người có uy tín tham gia Ban cán sự xóm, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội ở cơ sở; làm tốt công tác bảo vệ Người có uy tín và gia đình họ, không để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lợi dụng./.

Trang Dương

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra