Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là của Chính quyền cấp cơ sở trong việc hỗ trợ, giúp đỡ làm nhà ở cho các hộ nghèo.
Đồng thời, kết hợp giữa nguồn lực Ngân sách Nhà nước hỗ trợ với nguồn lực vận động xã hội hóa từ Quỹ vì người nghèo (của trung ương, của tỉnh), vận động từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân hỗ trợ kinh phí, kết hợp với huy động thêm hỗ trợ của cộng đồng dân cư (vật liệu, ngày công...) để làm nhà cho hộ nghèo. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác làm nhà để đảm bảo về diện tích, kết cấu, chất lượng công trình nhà ở và tiến độ làm nhà ở; quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ làm nhà đúng mục đích và có hiệu quả.
Theo kế hoạch, sẽ có tổng số 223 nhà (làm mới 176 nhà, sửa chữa 47 nhà), gồm 221 nhà là hộ nghèo có toàn bộ thành viên là trẻ em, người cao tuổi, người từ 16-60 tuổi nhưng bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng hoặc ốm đau kéo dài, không có khả năng lao động và 2 nhà hộ nghèo có thành viên là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Lãnh đạo huyện Văn Yên cùng đại diện Thanh tra tỉnh Yên Bái tại lễ trao nhà cho bà Nông Thị Hợp, xã Phong Dụ Hạ (Văn Yên) năm 2020
Mức hỗ trợ đối với hộ đang ở nhà đơn sơ hoặc nhà bị hư hỏng nặng phải phá dỡ đễ làm mới là 50 triệu đồng/hộ và 25 triệu đồng/hộ đối với hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng, dột nát phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.
Đối với nguồn lực hỗ trợ làm nhà, UBND tỉnh huy động từ Quỹ vì người nghèo cấp trung ương, cấp tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo cấp tỉnh để hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở và nguồn vốn vận động xã hội hóa huy động từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương. Vận động, hỗ trợ từ các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 52 sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, tối thiểu 45 nhà. Khuyến khích các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí cao hơn so với kinh phí dự kiến theo Kế hoạch. Các huyện, thị xã, thành phố huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
Về nguyên tắc hỗ trợ, địa phương phải chịu trách nhiệm hỗ trợ đất ở (chuyển mục đích sử dụng đất; vận động người thân, cộng đồng hỗ trợ hiến/tặng/cho quyền sử dụng đất). Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà, các hộ gia đình được hỗ trợ có trách nhiệm tham gia đóng góp kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu và chủ động tổ chức xây dựng nhà ở; trường hợp các hộ không có khả năng tự làm nhà, chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ các hộ làm nhà để đảm bảo chất lượng, tiến độ, yêu cầu đề ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu của Ke hoạch hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn năm 2021 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp đến hộ gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp. Huy động, vận động nguồn kinh phí xã hội hóa cấp huyện để hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch.
Phê duyệt danh sách hộ nghèo đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ làm nhà ở của địa phương trên cơ sở kết quả rà soát từ các xã, phường, thị trấn. Huy động nhân dân trên địa bàn tham gia ủng hộ nhân công, vật liệu tại chỗ để hỗ trợ các hộ nghèo nâng cao chất lượng nhà ở; phân công trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các hộ nghèo làm mới, sữa chữa nhà ở; hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán kinh phí theo hướng dẫn của Ủyy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và của cơ quan Tài chính./.
Huy Trần