Tất cả chuyên mục

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới

Thứ sáu, 10/01/2025 - 08:56 (GMT+7)

Với kinh nghiệm đúc kết từ 40 năm đổi mới, với khát vọng và trách nhiệm của Đảng, với sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc, tạo nền tảng, tạo đà để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới.

Ngay khi vừa giữ cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra lời hiệu triệu cho một kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thể hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện khát vọng cao quý này, đòi hỏi nền kinh tế phải tăng trưởng cao, bền vững trong những thập kỷ tới.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Chính phủ xác định phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển KTXH của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026-2030. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Câu hỏi đặt ra những động lực gì cần tạo dựng, nuôi dưỡng và thúc đẩy để kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng cao, kéo dài trong vài thập kỷ.

Nhìn ra khu vực với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore - Ba nền kinh tế có sự tăng trưởng và thay đổi được xem như một kỳ tích, hình mẫu về sự phát triển ngoạn mục trước sự ngỡ ngàng của thế giới, đều có sự phát triển nhanh và bền vững trong suốt 3 thập kỷ.

Phát triển thần kỳ của ba nền kinh tế này có các điểm chung, đó là: Đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt người đứng đầu có trí tuệ, tầm nhìn, có tư duy chiến lược độc đáo, với những đổi mới cụ thể, rõ ràng, có khát vọng đưa đất nước phát triển; Thể chế trung thực, kết hợp tư duy thực tế; Chú trọng đến giáo dục, đào tạo, xây dựng nền giáo dục tiên tiến, lực lượng lao động chất lượng cao; Năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy nhà nước, chính sách quốc gia phù hợp, nắm bắt thời cơ, chính sách mở cửa quả cảm hoà nhịp với toàn cầu hóa; Khơi dậy tinh thần doanh nghiệp, thực thi chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; Tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, chi phí logistic thấp, tăng cường lưu thông.

Sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore giúp thế giới rút ra được nhiều bài học quý, đó là bài học về nhân tố con người và giáo dục, đào tạo. Chính con người là nhân tố quan trọng để có thể vượt lên tất cả, với hạt nhân là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Ba quốc gia được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy xuyên suốt từ chủ trương, đường lối cho đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với chiến lược đúng đắn, phù hợp bối cảnh của thời đại, tạo ra sự khác biệt với phần còn lại của thế giới.

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới của nước ta, với những "cởi trói" và đổi mới về thể chế, chính sách; giải phóng mạnh mẽ năng lực sản xuất; khai thác mọi khả năng của các thành phần kinh tế, nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc.

Trong thập niên mới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực dự báo vẫn diễn biến phức tạp, bất định, khó lường, tác động nhiều mặt tới kinh tế nước ta. Thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân cần chung sức, đồng lòng kiến tạo, nuôi dưỡng, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng để kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số một cách bền vững.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì và đâu là những động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với 3 nhóm rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, đó là: (i) Bộ máy công quyền quan liêu, trì trệ, kém hiệu quả. Quá trình ra quyết định, thực thi quyết định quá chậm khiến nguồn lực không được sử dụng hiệu quả; (ii) Cơ sở hạ tầng chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; (iii) Nguồn nhân lực đông về số lượng, kém về chất lượng...

Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào 3 nhóm yếu tố: Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, thông tuệ để xử lý các vấn đề của thời đại đặt ra đối với đất nước; Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cao cấp; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, chúng ta khẩn trương thực hiện các nhóm động lực và giải pháp dưới đây.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần khẳng định, nuôi dưỡng và thực thi khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, truyền cảm hứng, khích lệ sự trỗi dậy, vươn lên của toàn dân tộc, khơi dậy sự đoàn kết, trên dưới một lòng hướng tới mục tiêu một Việt Nam hùng cường.

Chỉ khi mục tiêu một Việt Nam hùng cường trở thành khát vọng cháy bỏng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của toàn dân, khi đó mọi khó khăn, trở ngại, mọi chông gai, phức tạp sẽ được nhân dân hóa giải trên con đường phát triển, đây cũng là tinh thần "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Toàn dân có khát vọng, nuôi dưỡng và thực thi khát vọng vì một Việt Nam hùng cường là động lực tinh thần và vật chất thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao và bền vững.

TS. Nguyễn Bích Lâm: Với kinh nghiệm đúc kết từ 40 năm đổi mới, với khát vọng và trách nhiệm của Đảng, với sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc, tạo nền tảng, tạo đà để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới.

Kỳ tích Singapore được xác lập do nhiều yếu tố, trong đó có 4 triết lý quan trọng nhất được các nhà lãnh đạo Singapore thực hiện, đó là: Xây dựng một nhà nước mạnh; Hòa hợp quốc gia đa sắc tộc; Phát triển hài hòa với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển; Nền kinh tế thị trường thoát ly khỏi hệ tư tưởng.

Singapore đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một nhà nước, một chính quyền mạnh. Muốn vậy phải có một nguồn nhân lực giỏi cho chính quyền; một đội ngũ công chức và chính khách giỏi, trong sạch, được trả lương cao; đồng thời phải được giám sát chặt chẽ từ các cử tri, từ phương tiện truyền thông...

Đối với nước ta, để tạo dựng và phát huy hiệu quả các động lực phát triển trong kỷ nguyên mới, Đảng và Nhà nước cần đổi mới, xây dựng và vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả; chuyển dịch từ nền hành chính quan liêu sang nhà nước quản lý chuyên nghiệp, kiến tạo, phục vụ và quản trị, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Bộ máy nhà nước cần vận hành theo 5 nguyên tắc: Tăng cường phương pháp quản lý thực tiễn; Nâng cao hiệu suất và kiểm soát kết quả công việc; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ tập trung quyền lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bộ máy nhà nước, không giới hạn thẩm quyền của các cơ quan nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất; Thúc đẩy áp dụng mô hình quản lý công - tư, linh hoạt áp dụng phương pháp quản lý hiệu quả của khu vực tư nhân vào quản lý khu vực công; Tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, giảm chi phí hoạt động công vụ và quản lý công.

Chính phủ với vai trò vận hành hệ thống quản trị quốc gia phải có năng lực lãnh đạo và tầm nhìn trong thiết lập, thực thi, vận hành môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, cạnh tranh, với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; với chất lượng dịch vụ công tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cần trân trọng và phát huy cơ chế phản biện, lắng nghe, tiếp thu những tham vấn, đề xuất, sáng kiến có tri thức, giá trị của xã hội.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ cần xây dựng và vận hành Mô hình Chính phủ trí tuệ nhân tạo 24/7, không chỉ hoạt động trong 8 giờ hành chính, mà có thể hoạt động thông minh hơn, chất lượng hơn, mọi lúc, mọi nơi, thúc đẩy xã hội chuyển động nhanh hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn.

Cùng với đó, Chính phủ phải duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển đầy đủ các loại thị trường với quy mô lớn, cạnh tranh cao; vị thế, thương hiệu quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, củng cố, nâng cao quyền lực mềm quốc gia.

Thể chế kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thịnh vượng của đất nước. Quốc gia có nền thể chế bao trùm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, sẽ thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của người dân vào các hoạt động kinh tế, tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Để xóa bỏ điểm nghẽn thể chế kìm hãm tăng trưởng, các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương xử lý rốt ráo các bất cập hiện tại về thể chế, nắm bắt những vấn đề mới, xây dựng thể chế bao trùm, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Đặc biệt, cần quy định doanh nghiệp tư nhân là động lực chủ yếu, quan trọng nhất cho phát triển, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Đảng và Nhà nước cần khẩn trương xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp dân tộc với những đột phá, linh hoạt về thể chế, chính sách, nguồn vốn để tạo dựng, nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp dân tộc, nhằm xây dựng nền kinh tế kết hợp hài hòa giữa sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường với sức mạnh ngoại lực. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tạo động lực và điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Trong thế giới phẳng, bất định, phức tạp, khó lường, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh, mạnh, tác động sâu sắc tới tất cả các ngành, lĩnh vực, việc làm, đòi hỏi các nhà quản lý và người lao động phải có tri thức, kỹ năng mới, đặt ra yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi căn bản hệ thống giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học và hệ thống dạy nghề hiện nay của nước ta theo phương châm giáo dục phải gắn liền với lợi ích đời sống nhân dân, hướng tới khoa học, thực tiễn của đời sống, tập trung vào việc tạo ra con người mới, có kỹ năng, kỹ thuật mới.

Tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, trình độ giáo viên, xây dựng môi trường học tập năng động, sáng tạo, đáp ứng khả năng nghiên cứu, thực hành của học sinh, sinh viên. Kiên quyết nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, xóa bỏ ngay tình trạng chưa tốt nghiệp phổ thông trung học đã dường như trúng tuyển vào đại học.

Chính phủ cần có những chính sách đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, hỗ trợ và khích lệ phong trào học tập. Đây là cơ sở quan trọng tạo nên xã hội học tập, nâng cao trình độ dân trí cũng như tạo ra những thay đổi kỹ năng nghiên cứu, lao động, sản xuất của người dân, đồng thời cũng là các giải pháp hiệu quả, rút ngắn thời gian kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính sách đào tạo kỹ năng phải đặt trong chiến lược nâng cao năng lực cung cấp việc làm cho tất cả các lĩnh vực và các công việc của nền kinh tế.

Đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo phải là ưu tiên hàng đầu, vì giáo dục và đào tạo là nền tảng căn bản nhất của đất nước. Một quốc gia không làm tốt giáo dục và đào tạo, quốc gia đó sẽ thất bại.

Để tăng trưởng hai con số một cách bền vững, nhu cầu về nguồn lực rất lớn. Đảng và Nhà nước cần đổi mới thể chế, thực thi chính sách hướng tới khơi thông tất cả các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực của đất nước.

Chính phủ và các địa phương cần đánh giá năng lực thực tế của từng ngành và toàn bộ nền kinh tế, từ đó xây dựng kịch bản tăng GDP theo các mức khác nhau cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Kịch bản tăng trưởng cần chỉ rõ từng ngành, từng lĩnh vực phải tăng bao nhiêu và xác định rõ năng lực, tiềm năng, động lực và nguồn lực cụ thể là gì? Từng ngành dựa vào các động lực nào, quy mô của từng động lực là bao nhiêu, để chuẩn bị và khai thác các nguồn lực cho phát triển.

Cần huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cam kết, khích lệ, huy động hiệu quả các nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng và địa phương để hoàn thành dứt điểm với thời gian ngắn nhất.

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Việt Nam đang là tấm gương cho nhiều nước mong muốn hợp tác phát triển. Việt Nam đã thiết lập hàng loạt các đối tác chiến lược mới, giờ là lúc triển khai các kế hoạch hành động cụ thể với từng đối tác chiến lược.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế toàn cầu biến động với nhiều thay đổi, Việt Nam cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng tin cậy cả trong nước và khu vực đối với các lĩnh vực chúng ta có tiềm năng như pin mặt trời, chip máy tính, một số ngành công nghiệp công nghệ cao.

Xây dựng giải pháp với lộ trình cụ thể để Mỹ nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường, điều này là khó khăn vì Việt Nam đang có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Đồng thời không để bị cuốn vào cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tiếp tục phát huy tối đa các động lực tăng trưởng hiện có: Đầu tư ngoài nhà nước, đầu tư công, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hàng hóa, đồng thời có giải pháp giảm thiểu nhập siêu dịch vụ.

Chính phủ cần cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng lộ trình, tạo dựng, đầu tư, từng bước thúc đẩy, phát triển các ngành kinh tế mới đồng thời cũng là động lực tăng trưởng mới, như công nghiệp bán dẫn, pin mặt trời, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp vũ trụ, để mở ra không gian phát triển mới.

Chìa khóa để Việt Nam phát triển đó là: Quá trình ra quyết định phải kịp thời hơn, chính xác hơn; phát triển Công nghệ số, công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử; Kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô.

Chính sách, giải pháp tốt nhưng ban hành chậm, triển khai không hiệu quả thì vẫn chỉ là chính sách. Để có được chính sách, giải pháp tốt, Đảng và Nhà nước cần có bức tranh kinh tế, xã hội sát thực. Các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh với chức năng liên quan cần nhận thức rõ trách nhiệm cung cấp bức tranh kinh tế thực của đất nước cho Đảng và Nhà nước.

Các cơ quan liên quan và chuyên gia kinh tế chịu trách nhiệm và có trách nhiệm nói lên bức tranh kinh tế thực của đất nước, chỉ ra những khó khăn, thách thức, đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để Chính phủ có cơ sở ban hành và thực thi chính sách, giải pháp phát triển.

Với kinh nghiệm đúc kết từ 40 năm đổi mới, với khát vọng và quan điểm "Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, bạn bè quốc tế giúp đỡ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó", chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc, đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới./.

Theo baochinhphu.vn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Xây dựng khung pháp lý cho đội ngũ nhà giáo

(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo đã được thảo luận sôi nổi, với nhiều chỉnh lý quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Lan Anh

Bộ Dân tộc và Tôn giáo bàn giao Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ

(ThanhtraVietNam) - Ngày 6/5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo về việc bàn giao, tiếp nhận Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ. Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Y Thông, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng chủ trì và ký biên bản bàn giao.

K. Dung

Tạo điều kiện tối đa để phát triển kinh tế tư nhân toàn diện, hiệu quả

(ThanhtraVietNam) - Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản, thách thức. Chính vì vậy, Bộ Chính trị xác định, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Hoàng Minh

Thanh Tra Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ tích cực triển khai Nghị quyết 66/NQ-CP, tập trung cải cách thủ tục hành chính nội bộ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục liên quan đến sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả.

Lan Anh

Phòng ngừa tham nhũng thông qua cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra

(ThanhtraVietNam) - Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2025 làm rõ các thành tựu nổi bật, hạn chế, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, với trọng tâm là công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính.

Lan Anh

Thanh tra, phòng chống tham nhũng: Đột phá tháo gỡ dự án tồn đọng, ứng dụng công nghệ số năm 2025

(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra trong tháo gỡ hơn 2.200 dự án tồn đọng, ứng dụng công nghệ số trong tiếp công dân và nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí. Báo cáo năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 cho thấy quyết tâm “không ngừng, không nghỉ” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lan Anh

Nghị quyết 68 Bộ Chính trị: Xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

(ThanhtraVietNam) - Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa…

Hoàng Minh

Tổng Bí thư Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga

Hôm nay (5/5), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến 12/5.

Thanh tra Chính phủ: Tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng hiệu quả

(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đáp ứng kiến nghị của cử tri, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, củng cố niềm tin của nhân dân.

Lan Anh

600 tấn sữa giả - Lời cảnh tỉnh từ Luật sư về lằn ranh kinh doanh và tội phạm

(ThanhtraVietNam) - Vụ triệt phá đường dây sản xuất 600 tấn sữa bột giả trị giá gần 500 tỷ đồng đã làm rúng động dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về ranh giới mong manh giữa kinh doanh hợp pháp và tội phạm hình sự.

Lan Anh

Tăng tốc cải cách thủ tục hành chính

(ThanhtraVietNam) - Công điện của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu giảm 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, thời gian và chi phí tuân thủ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

P.V

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 05/05/2025, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

K. Dung

Xem thêm